Xe máy đầy đường thì xe buýt không thể chạy đúng lộ trình và thời gian. Xe buýt không đảm bảo được hai yếu tố đó sẽ dẫn đến giảm chất lượng dịch vụ, khó thu hút đông đảo người dân.
Ngoài ra, nhiều người thích lười biếng nên đi gần hay xa họ cũng xài xe máy, giảm động lực sử dụng phương tiện công cộng. Nếu người dân cứ đòi hỏi phải chờ hệ thống phương tiện công cộng đầy đủ mới chịu bỏ xe máy thì đảm bảo 100 năm nữa cũng chẳng bỏ được xe máy.
>> Dừng xây nhà cao tầng để giảm kẹt xe trung tâm Sài Gòn
>> Xe máy kìm hãm kinh tế, ức chế tinh thần người Sài Gòn
Việc này như câu chuyện con gà và quả trứng cái nào có trước vậy. Phải quyết liệt chọn hướng "cấm xe máy" trước. Chính quyền cũng chỉ cấm xe máy ở khu vực trung tâm trước và có lộ trình từ từ để hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng. Đó là hướng đi tất yếu của các nước tiên tiến. Người đi xe máy nên chấp nhận và thích nghi hơn là cứ cố kiếm lý do để bào chữa cho sự ích kỷ của bản thân.
Rộng ra, tôi nói chung xe cá nhân, không ám chỉ riêng xe máy. Nhưng vì ở các thành phố lớn, xe máy chiếm số lượng đa số và cách thức giao thông hỗn loạn, tùy tiện (cái này là bản chất của xe máy vì nhỏ gọn) nên gây đến rất nhiều hệ lụy đó là quá tải cho hệ thống hạ tầng đô thị và giao thông công cộng khó phát triển.
Ôtô cũng bị hạn chế theo đề án qua việc tăng thuế, phí vào khu trung tâm. Ôtô ban đầu sẽ không cấm hoàn toàn vì liên quan đến các dịch vụ taxi hay đưa đón các đoàn khách du lịch, lãnh đạo các nước...
Nhưng sau này cũng sẽ cấm luôn ôtô khi hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh. Ngoài ra, bản chất của con người là luôn đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, suy nghĩ và ý thức rất khó thay đổi.
Vì thế cần có biện pháp hành chính quyết liệt mới thay đổi được bộ mặt đất nước. Giống như Singapore lúc trước cũng vậy. Ông Lý Quang Diệu phải thi hành rất nhiều lệnh cấm trong sự phản đối của người dân. Nhưng sau này họ dần dần vào khuôn phép và ý thức tự động sẽ cải thiện. Chứ còn chờ suy nghĩ và ý thức người dân tự cải thiện thì 100 năm nữa cũng chẳng thay đổi được gì.
Tôi có chia sẻ như sau, bản thân cũng chỉ là thanh niên đi làm được vài năm, xe máy là phương tiện chính, nhưng trước giờ lúc nào tôi cũng có ao ước là một ngày thành phố cấm xe máy vào trung tâm thành phố.
>> 'Cấm xe máy ở Hà Nội, Sài Gòn là giải pháp đột phá'
>> Hà Nội, Sài Gòn cấm xe máy sẽ hết tắc đường?
Nhưng biết rằng mỗi lần có đề án xuất hiện là luôn luôn có những người bàn ra bàn vào. TP HCM là thành phố năng động, mà nó năng động chính là nhờ sự thích nghi của những người nhập cư như chúng ta, nếu chúng ta không thích nghi thì có lẽ đã bỏ thành phố này lâu lắm rồi, nên tôi tin chắc rằng, một khi đề án này được thực thi, thì mỗi người ai cũng tự cân nhắc cuộc sống của mình để phù hợp nhất, các công ty, nhà máy, xí nghiệp cũng tự cân nhắc để phù hợp với cộng đồng.
Xu hướng ra ngoại đô cũng bắt đầu hình thành. Đó là chuyện tất yếu, hồi xưa đi học các bạn đã biết chọn chỗ gần để đi, chọn nơi có gần chợ, bến xe buýt để ở thì có chuyện gì mà không thích nghi được.
Thời gian đầu có thể khó khăn về tính đồng bộ với các hệ thống phương tiện công cộng, nhưng tôi tin rằng, chỉ cần vào thế khó thì các đề án công cộng mới thật sự phát huy tác dụng và được đẩy nhanh tiến độ đến mức cao nhất.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.