Tác giả Trần Việt Yên là Giảng viên Đại học Giao thông vận tải Hà Nội. Hiện đang là Nghiên cứu sinh chuyên ngành giao thông và môi trường, Đại học Nagoya, Nhật Bản, chia sẻ bài viết về vấn đề giao thông và du lịch:
Người Việt coi trọng sự an toàn không? Hầu hết mọi người sẽ nói "Có, tất nhiên rồi. Tuy nhiên, giữa suy nghĩ và thực tế đang tồn tại cách biệt lớn. Điều này ảnh hưởng đến lợi ích mỗi chúng ta và cả xã hội.
Tôi xin chia sẻ quan sát của mình tại Nhật Bản, quốc gia mà theo tôi sự an toàn được đặt lên hàng đầu.
Bạn tôi, đang làm cho một công ty bảo dưỡng sửa chữa cầu đường tại đây kể câu chuyện hôm 2/12/2012. Khi các xe đang lưu thông trong hầm Sasago thuộc tuyến đường cao tốc Chuo, phía tây Tokyo thì bất ngờ khoảng 150 tấm bê tông ốp trần rơi xuống trúng vào ba chiếc xe đang chạy và gây cháy trong hầm.
Sự cố làm 9 người chết và báo chí giật tít "nghiêm trọng nhất trong lịch sử giao thông đường bộ Nhật Bản".
>> Giao thông Việt không có làn đường xe máy tiêu chuẩn
Quan trọng hơn, niềm kiêu hãnh về một môi trường giao thông an toàn tuyệt đối của Nhật đã tồn tại từ lâu trước đó bị tổn thương nghiêm trọng. Từ đó, ngoài việc tăng cường các nỗ lực để đảm bảo an toàn, công ty bạn tôi đề ra quy định, cứ vào ngày mồng hai hàng tháng, tất cả nhân viên đều phải hô khẩu hiệu về việc duy trì an toàn giao thông để nhắc nhở mọi người về vụ tai nạn lịch sử. Trong đó có câu "Chúng ta sẽ không bao giờ quên vụ tai nạn".
Kể cả trước khi có vụ tai nạn kia, người Nhật đã nổi tiếng trong việc coi trọng an toàn.
Ngoài chuyện người dân chấp hành nghiêm các quy tắc trong việc tham gia giao thông, họ cũng đầu tư rất nhiều vào công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình trên đường nhằm duy trì an toàn suốt 24 giờ.
Đây cũng là lý do dẫn đến chi phí đi lại ở Nhật Bản khá đắt đỏ. Tôi đi từ Nagoya đến Tokyo bằng tàu Shinkansen phải trả khoảng 11.000 Yen- khoảng 2,3 triệu đồng, cho quãng đường dài khoảng 340km.
Bù lại, tôi chỉ mất hơn hai tiếng ngồi trên tàu và lịch trình chính xác đến từng giây. Với tốc độ cao và sự an toàn, thậm chí ngành đường sắt nước này còn cạnh tranh cả với lĩnh vực hàng không nội địa.
Họ sử dụng robot, những chiếc cờ tự động cuốn lên, xuống nhằm phục vụ cho nhân viên kiểm soát giao thông tại vị trí đường đang sửa chữa; thường xuyên dùng thiết bị bay không người lái gắn camera (drone) trong công tác bảo trì đường bộ nhằm kiểm tra khuyết tật công trình tại những vị trí công nhân không tiếp cận được.
Vấn đề là, mặc dù chi phí đi lại cao hơn nhiều nước, khách du lịch vẫn đổ đến Nhật Bản ngày càng nhiều.
Trong những khảo sát của cá nhân, tôi thấy khi đã bỏ tiền ra đi du lịch thì an toàn là một vấn đề rất quan trọng mà du khách quan tâm.
Chính phủ Nhật Bản đã đề ra các chính sách nhằm yêu cầu các công ty tư nhân vận hành mạng giao thông phải ưu tiên hàng đầu cho vấn đề an toàn. Và tất nhiên họ đã thu lại lợi nhuận từ người tiêu dùng và khách du lịch để bù cho các khoản đầu tư khổng lồ đó. Điều quan trọng là người tham gia giao thông chấp nhận mức chi phí cao để đổi lại sự an toàn.
Quay lại Việt Nam, người ta có thực sự quan tâm đến vấn đề an toàn giao thông hay không và điều này có ảnh hưởng gì? Ở đây tôi muốn nói đến sự khác biệt giữa nhận thức và hành động. Chúng ta quan tâm đến an toàn giao thông của chính bản thân mình, tất nhiên rồi.
>> Kẹt xe trầm trọng vì vi phạm giao thông không bị trừng phạt
Nhưng những hoạt động cụ thể trong cuộc sống hàng ngày của từng cá nhân thì chưa phản ánh được điều này. Không thiếu ví dụ để ta kiểm chứng.
Ngoài đường không khó để gặp học sinh đi học và cả người lớn không đội mũ bảo hiểm trong khi ai cũng biết nguy cơ chấn thương khi không mũ. Mọi người vẫn vượt đèn đỏ khi có cơ hội, đi bộ dưới lòng đường, chở vật liệu nguy hiểm không bao bọc và gây chết người, người đi bộ trèo qua dải phân cách hoặc dùng rượu bia, chất kích thích khi tham gia giao thông. Tôi tin ai được hỏi cũng sẽ thừa nhận đó là hành vi mất an toàn, nhưng người ta vẫn làm nó.
Những tin tức về tai nạn giao thông không thể giấu được với du khách nước ngoài khi họ định du lịch đến Việt Nam bởi khả năng chia sẻ thông tin ngày nay qua mạng xã hội.
Người ta có thể đến vì tò mò, muốn khám phá điều mới lạ. Tuy nhiên, khi biết được thực trạng an toàn giao thông thì người ta không còn muốn quay lại sau những "trải nghiệm" khó quên.
Cần phải lưu ý rằng ngày nay du lịch đã khác trước, trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nhờ vào mức sống cao, sự cạnh tranh dịch vụ cũng như sự ra đời của hàng không giá rẻ.
>> 'Người Việt bỏ xe máy nếu xe buýt tốt' là điều viễn tưởng
Ở một góc độ nào đó có thể coi du lịch là loại hoạt động định kỳ hàng năm của con người hiện đại. Với nhu cầu thế giới cao và trong bối cảnh nước ta còn nhiều tiềm năng về du lịch nhưng chưa khai thác hiệu quả, chiến lược nào để thu hút lượng du khách đó?
Để trả lời, tôi vẫn giữ góc nhìn sự khác biệt giữa suy nghĩ và hành động, nhưng ở mức độ quốc gia thì có thể hiểu là sự khác biệt giữa chủ trương và môi trường thực tế.
Nhận thức về tầm quan trọng của an toàn giao thông thì có lẽ không cần phải bàn cãi trong các văn bản chỉ đạo hoặc các chiến dịch tăng cường giao thông được quảng bá.
Nhưng nhìn vào thực tế thì có thể thấy ngay sự cách biệt. Đầu tiên là hạ tầng giao thông không có chỗ cho người đi bộ trên vỉa hè hoặc quy tắc giao thông và đèn tín hiệu không ưu tiên cho người đi bộ.
Rất nhiều người Nhật Bản kể với tôi về cảm giác sợ hãi khi sang đường ở Việt Nam. Ở nước ngoài, đi bộ và xe đạp rất phổ biến và luôn được ưu tiên.
Thói quen tốt đó khi sang Việt Nam lại trở thành điều bất lợi cho họ như trường hợp một giáo sư người Mỹ bị xe máy đâm chấn thương và hôn mê khi sang đường. Ngã tư nơi ông bị tai nạn được mô tả "rất khó đi và không có đèn giao thông".
Tiếp đó là một loạt lỗ hổng quản lý tạo ra tham nhũng giao thông. Từ việc cấp bằng lái lỏng lẻo, không quản lý được tài xế sử dụng ma túy, chất lượng đăng kiểm cho đến cơ chế giám sát tốc độ xe chạy chưa đủ mạnh và chưa có cơ chế cụ thể cho xe đạp điện... Khi nguy hiểm rình rập khắp mọi nơi trên đường, kể cả người đang dừng đèn đỏ hoặc chờ xe buýt, thì liệu du khách có muốn quay lại với chúng ta không?
>> Cục 'bê tông ý thức' giao thông
Khi tai nạn giao thông vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, có lẽ mỗi người xem lại liệu mình có thể thay đổi để việc đi lại hàng ngày an toàn hơn.
Đơn giản là kiểm tra lại dây đeo mũ bảo hiểm xem chắc chắn không, hệ thống phanh xe có còn đủ mạnh khi cần phanh gấp, hoặc mình đã có thói quen sang đường ở nơi quy định chưa.
Ở cấp độ nhà quản lý, chẳng khó gì để nhìn ra những bất cập trong hệ thống giao thông hiện tại. Do vậy, một chiến dịch như "Năm an toàn giao thông cho du khách" hoặc chuyển nguồn thu từ hoạt động du lịch sang đầu tư cho hạ tầng giao thông có thể xem như giải pháp có thể thay đổi tình huống hiện nay của đất nước.
Tăng mạnh đầu tư vào an toàn giao thông là một giải pháp cho ngành du lịch. Không chỉ thế, khi an toàn giao thông thực sự được coi trọng và trở thành một chiến lược quốc gia, các dự án giao thông đắt đỏ sẽ dễ thực thi hơn. Và quan trọng nhất, người dân sẽ được an lòng.
*Bạn có hiến kế, ý tưởng nào để giải quyết hài hoà bài toán giao thông đô thị Việt hiện nay?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.