Xe máy tăng lên nhanh chóng là một nguyên nhân trực tiếp lẫn gián tiếp làm môi trường xuống dốc, nhưng chúng ta cũng nên nhìn vào nhiều mặt. Ở đây tôi xin phép nêu ra vài khía cạnh lớn.
Thứ nhất, về quy hoạch đô thị. Lượng người đổ về thành phố ngày càng đông, kéo theo lưu lượng xe tăng lên chóng mặt. Mà diện tích lại không "nở ra" khiến cho các thành phố lớn như Hà Nội muốn nghẹt thở từ sáng tinh mơ cho đến tối.
Lượng người tăng, nhu cầu nhà ở tăng, mà diện tích đất thì có hạn vậy nên các chung cư cao tầng lại được xây dựng nhiều.
Nếu chỉ đơn thuần nghĩ chúng ta lên cao sống, để chừa chỗ cho những kiến trúc công cộng thì không sai. Nhưng ở các nước phát triển, các tòa nhà cao ốc, văn phòng hành chính tập trung về một khu trung tâm, còn bệnh viện, trường học thì được phân bổ đều. Ở Việt Nam tất cả đổ dồn về trung tâm.
Rồi ta lại có câu hỏi: Vì sao ở những nơi khác có xây những kiến trúc công cộng mà người dân lại không sử dụng? Thưa rằng nếu các công trình thật sự có ích cho đời sống, thật sự chất lượng thì không ai lại phải chạy đi xa cả. Quy hoạch đô thị xét ra không chỉ là về kiến trúc mà còn về cả xã hội.
Thứ hai là về sự an toàn của phương tiện công cộng. Ở nước ta, xe buýt được gọi một cái tên "thân thương" là hung thần đường phố. Vì đâu người ta lại gọi như vậy? Vì xuất hiện đầy những vụ trộm cướp trên xe buýt và ở các điểm chờ xe.
Phương tiện công cộng đã tự làm xấu mình trong mắt người dân. Thế nên người ta chuyển qua đi phương tiện cá nhân thì cũng là điều không khó để lý giải.
Cuối cùng là về ý thức của mỗi cá nhân. Chiến dịch trả lại vỉa hè của phó chủ tịch quận 1 (TP HCM), ông Đoàn Ngọc Hải, thực tế là rất hay nhưng lại chưa triệt để. Vì sao thế? Vì một mình ông Hải thì khó mà làm được, nhiều ông Hải cũng chưa chắc đã làm được khi người dân còn chưa chịu bỏ đi cái tôi cá nhân, cùng nhau xây dựng một cộng đồng chung.
Càng ngày con người càng ít nhường nhịn nhau. Chỉ vì một chút va quẹt cũng có thể dẫn đến chửi nhau, thậm chí là đâm nhau đến thiệt mạng. Thay vào đó người ta nhường nhịn nhau ở những trường hợp không nên và không được nhường nhịn.
Người người ra đường với tâm thế làm sao để đi thật nhanh chứ không phải làm sao để đến nơi an toàn. Đường là của chung nhưng ta đi như đường của riêng ta, miễn sao là đến nơi sớm.
Người người ra đường với khí thế làm sao để lách được qua nút thắt giờ cao điểm, mà càng lách thì lại càng thắt. Càng thắt lại càng tai nạn. Rồi lại thắt, thắt nữa và thắt mãi.
Trên vỉa hè, hàng trăm quán hàng đua nhau mọc hơn nấm để phục vụ lượng người ngày càng tăng. Nhà nào kinh doanh buôn bán thì cũng không quên xin một đoạn vỉa hè để "thượng đế" có chỗ để xe. Vậy ai đã cho họ quyền ấy? Và ai đã cho ta quyền tự ý dựng xe bất kỳ chỗ nào ta thích từ vỉa hè tới lòng đường?
Và vì tất cả những điều ấy ngày ngày cứ diễn ra nhưng lâu lâu mới bị phạt nên người vi phạm cũng không sợ. Muốn đất nước phát triển và phát triển bền vững cần có một pháp luật nghiêm minh và con người có ý thức. Thiếu một trong hai thì coi như thất bại.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.