Gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia là nỗi xấu hổ trong ngành giáo dục với mức độ nghiêm trọng, trơ trẽn chưa từng có, nâng điểm cướp mất ước mơ những thí sinh khác.
Chỗ của họ trong giảng đường đại học bị cướp mất bởi những người không có năng lực mà có quan hệ. Đáng lên án nhất ở đây là người lớn tự tha hóa, lừa dối bản thân mình chưa đủ, lại kéo cả thế hệ con cháu vào vòng xoáy lọc lừa, suy đồi đạo đức rồi bấu víu vào các giá trị ảo. Phẫn nộ hơn, tiếp tay cho sai trái lại là những người thầy khả kính.
Tiêu cực trong thi cử, không còn là sự ngạc nhiên hay điều bất ngờ nữa vì đâu phải là lần đầu. Cứ tới mùa thi, báo chí và dư luận lại có dịp chỉ ra tiêu cực. Xâu chuỗi lại các tiêu cực với nhiều chiêu trò quái dị nào là "phao thi", đưa trước đáp án, làm ngơ cho thí sinh chép bài, thậm chí người lớn còn chạy chọt cho con cháu mình có điểm cao trúng tuyển đại học.
Hẳn sẽ còn những tiêu cực chưa phát hiện. Ngành giáo dục có hàng loạt căn bệnh chạy theo thành tích, giải thưởng, danh hiệu... Tiêu cực còn xảy ra trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thí sinh được luyện thi như luyện gà chọi, học tủ với "bài mẫu".
>> Xem thêm: Gian lận điểm thi - Mỹ đuổi ngay, Việt Nam vẫn đi học 9 tháng
Vụ việc gian lận trong thi cử, nâng điểm vừa qua đã bị khởi tố điều tra, bắt tạm giam một số đối tượng vi phạm. Có những người quản lý giáo dục, thầy cô từng đứng trên mục giảng dạy học sinh những điều hay lẽ phải.
Tôi không nghi ngờ thái độ kiên quyết của ngành giáo dục. Nhưng tôi cũng không tuyệt đối tin tưởng bởi hầu như năm nào thi cử nước ta cũng xảy ra sự cố, rắc rối, bức xúc, gian lận, nay lại nâng điểm.
Suy rộng ra là mối nguy ẩn chứa khi mà thầy không ra thầy, trò không ra trò. Thầy giả tạo ra trò giả, trò giả trở thành trí thức giả, nguyên khí giả. Chẳng trách bằng cấp ở nước ta không còn là vật bảo chứng chắn chắn cho trình độ nữa.
>> Bộ Công an trả 28 thí sinh được nâng điểm về Hoà Bình - rồi sao nữa?
Điều lạ là ban ngành, lĩnh vực nào cũng có đầy đủ cấp lãnh đạo, quản lý, giám sát nhưng không thể ngăn chặn những bê bối và tiêu cực. Chẳng hạn với ngành giáo dục, ngoài bộ chủ quản còn có Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng, cấp tỉnh thì có chính quyền, sở chuyên môn, trường học có hiệu trưởng và người phụ trách.
Thực lòng mà nghĩ, tiêu cực đã có sẵn trong ngành giáo dục từ lâu rồi, chỉ bùng phát dữ dội tại các kỳ thi. Thực trạng này trở nên phổ biến, tới mức trầm trọng như nạn dịch. Mà việc xử lý như thế nào chăng nữa cũng chỉ là động tác dập dịch tạm thời mà thôi, đến đợt lại lên.
>> Công khai người mua điểm để chấm dứt gian lận kỳ thi năm nay
Cần có giải pháp đồng bộ, cương quyết của cả hệ thống giáo dục và quản lý xã hội mới góp phần đẩy lùi gian lận trong học tập, thi cử và tiêu cực xã hội. Ngành giáo dục cần thể hiện bằng hành động, chấp nhận một thực tế đã học thì phải có đỗ có rớt, học thật thi thật, đừng chạy theo thành tích hay danh hiệu ảo nữa, đừng giữ quan niệm làm nghiêm thì học sinh đỗ thấp.
Có thể bỏ kỳ thi học sinh giỏi. Thậm chí, bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Giao xét tuyển về cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để căn cứ vào học bạ và phỏng vấn trực tiếp thí sinh vừa phù hợp với đặc thù từng trường, từng ngành.
Ở cơ quan, tổ chức nhà nước, người đứng đầu phải làm gương tôn trọng cái đúng, bảo vệ lẽ phải, tuân thủ pháp luật. Cấp trên nêu gương cho cấp dưới trong xử lý công việc và cuộc sống hàng ngày. Cuối cùng là xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe, ngăn chặn những kẻ có manh nha lạm quyền hoặc dùng tiền chạy chọt làm việc xấu ảnh hưởng xã hội.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.