Gần đây nhiều người quan tâm đến gian lận thi cử. Ý kiến thì nhiều nhưng chỉ lo tập trung xử lý hậu quả mà không quan tâm gốc rễ của vấn đề. Gốc rễ của vấn đề là nhu cầu được học đại học.
Học đại học, nói cho cùng, là học nghề bậc cao, chưa phải là tinh hoa gì cho cam. Để giải quyết nhu cầu này, các nước mở rộng đầu vào đại học. Chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) là có thể vào học đại học, miễn toàn bộ thi cử đầu vào (trừ một số trường đặc thù như y tế, giáo dục phải làm luận văn để thăm dò tư tưởng đạo đức).
Bởi vì có học sinh chỉ tốt nghiệp THPT ở mức trung bình, có học sinh đậu cao nên cũng có nhiều trường đại học khác nhau cho những học sinh này. Trường lấy học sinh có điểm tốt nghiệp cao thường là trường danh tiếng.
Như vậy, sẽ không có ai "đạp" người khác ra để mình được "chọn". Mỹ vừa rồi để xảy ra gian lận thi cử là vào những trường danh tiếng (tốt nghiệp dễ tìm được việc làm hơn trường bình thường).
Đã sang thế kỷ 21 rồi mà giáo dục Việt Nam vẫn nặng thi cử là một thực trạng đáng buồn. Học để làm việc chứ không phải học để thi cử. Bạn nào từng là sinh viên đều biết học giỏi ở phổ thông chưa chắc giỏi ở đại học.
>> Gian lận điểm thi - Mỹ đuổi ngay, Việt Nam vẫn đi học 9 tháng
Lắm người đậu thủ khoa đầu vào nhưng tốt nghiệp thì be bét. Đặc biệt là những trường đại học thuộc khối tự nhiên, đòi hỏi phải thực hành nhiều, trăm hay không bằng quen tay. Anh có thể vẽ kỹ thuật rất giỏi nhưng khi xuống xưởng gia công chi tiết máy thì lóng ngóng, còn thua cả anh xuất thân nông dân từng phụ giúp gia đình sửa chữa các loại nông cụ.
Vào đại học nhiều kiến thức hơn nhưng thi cử không khó. Còn học phổ thông kiến thức đơn giản hơn mà thi cử thì gần như đánh đố học sinh. Vậy là sao? Vì số lượng "chỗ" để vào đại học là có hạn. Tại sao không phát triển thêm "chỗ" ? Vì thiếu người dạy. Tại sao thiếu người dạy? Vì đi làm kiếm tiền dễ hơn đi dạy, hoặc, có muốn dạy cũng không đủ trường lớp (cơ sở vật chất).
Đó là chưa nói, làm giáo sư không phải chuyện đơn giản. Một năm phải có ít nhất một (quốc tế là 2) công trình khoa học, đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành cấp quốc gia (nếu chưa có bằng tiến sĩ), cấp quốc tế (nếu có bằng tiến sĩ).
Ở các nước, đại học không chỉ thuần túy dạy kiến thức cho sinh viên. Đây còn là nơi nghiên cứu, thí nghiệm làm ra sản phẩm mẫu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thậm chí còn nghiên cứu cả những linh kiện thuộc về quốc phòng.
Trừ những doanh nghiệp lớn có quy mô vượt khỏi lãnh thổ quốc gia, có đủ năng lực tài chính để xây dựng trung tâm nghiên cứu riêng, phần lớn công ty dựa vào các đại học để nghiên cứu, nâng cao chất lượng hoặc tạo ra sản phẩm mới (trong đó bao gồm cả các biện pháp quản trị mới).
Từ đây, đại học liên tục cập nhật nhu cầu của xã hội và thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp. Đại học Việt Nam mất đứt sợi dây liên hệ này. Kiến thức của đại học ở ta, cái gì sâu thì không mới còn cái gì mới thì chưa sâu.
Từ đó dẫn đến, đại học Việt Nam chỉ là cánh tay nối dài của THPT (nặng về lý thuyết hơn thực hành), là "thành trì bất khả xâm phạm" về kiến thức học thuật (thiếu chứng minh thực tế và thiếu phản biện).
>> Bộ Công an trả 28 thí sinh được nâng điểm về Hòa Bình - rồi sao nữa?
Sinh viên ra trường khó tìm được việc làm vì không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (nhu cầu này phần lớn thuộc về thực hành, đơn giản hơn mớ lý thuyết suông rất nhiều).
Việc tổ chức đại học quốc gia hoàn toàn bất lực. Bất lực cũng đúng thôi vì anh đã hiểu nhầm về khái niệm Viện Đại Học (University).
Ví dụ như Harvard. Không có trường đại học nào gọi là đại học Harvard cả mà chỉ có Viện Đại Học Harvard. Trong Viện quy tụ đủ thứ đại học, đủ thứ chuyên ngành. Nhưng đại học nào vẫn ra đại học ấy, không có trộn chung vào nhau. Quy tụ nhiều ngành nghề như vậy để làm gì?
Để sử dụng cơ sở vật chất, nhân sự nghiên cứu lẫn nhau khỏi đầu tư lãng phí và tốn kém. Ví như máy móc y cụ thì phải có anh chuyên chữa bệnh và anh chuyên vật lý hợp tác nghiên cứu, chứ chỉ thuần chữa bệnh hay thuần vật lý làm sao nghiên cứu được.
Trong khi đó, ý tưởng về đại học quốc gia Việt Nam là một trường đại học quy mô siêu to với một hiệu trưởng duy nhất. Bản chất của Viện Đại Học là hai chữ "hợp tác" nhưng nhà quản lý chưa hiểu rõ.
Có nhận đơn đặt hàng của doanh nghiệp thì mới có cái để dạy, mới có thầy (hưởng lương và chi phí tài trợ nghiên cứu từ doanh nghiệp), mới có "chỗ" để mọi học sinh đều có thể vào học.
Còn cứ như hiện nay thì học phí ngày càng nặng (vì anh chỉ có nguồn thu duy nhất là học phí) mà chất lượng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Thiếu "chỗ" thì thi đánh đố để gạt bớt người học dẫn đến tiêu cực "chạy điểm". Đào tạo nước ta luôn theo hình tháp ngược là như vậy.
Học đại học dễ hơn thi vào đại học - chuyện chỉ xảy ra ở ta. Mỹ có 70% lao động tốt nghiệp đại học (bao gồm cả đại học kém danh tiếng). Trình độ đại học chỉ là trình độ phổ thông, chỉ là cái nền vì không phải ai cũng thành đạt dù cùng học một trường ra. Trong khi ở Việt Nam, lắm người vẫn cứ nghĩ trình độ đại học là "tinh hoa", ra trường đi làm chắc chắn làm "quan".
Đại học chẳng qua là chuyên nghiệp hóa và hệ thống hóa lĩnh vực nghề nghiệp thôi, vẫn là ứng dụng cái mà người khác nghiên cứu ra chứ có phải tinh hoa (những người chuyên nghiên cứu sáng tạo) đâu.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.