Luật sư Khanh, đang sống và làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về việc xử lý gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La năm 2018:
Sự việc các cha mẹ sinh viên ở Mỹ mua suất vào trường cho con gây chấn động. Nhưng chuyện này cũng có ở Việt Nam và nó mới xảy ra cách đây có 9 tháng và đã gây ra không ít tranh cãi. Nhưng hai vụ này khác nhau cách xử lý.
Ở Mỹ, vụ chạy trường lên báo chí khi kẻ mua, người bán bị FBI tới nhà còng tay dẫn đi. Còn ở Việt Nam, việc gian lận điểm thi bắt đầu khi báo chí phản ánh điểm cao ngút trời ở miền núi, gấp chục lần so với cả nước.
Tại Mỹ, cậu ấm, cô chiêu ở Mỹ liên quan đến vụ chạy trường lọt vào tầm ngắm. Có người đã bỏ học, chắc tại chương trình khó quá, họ theo không nổi. Có người tự nguyện bỏ học, rút lui khỏi trường. Có người bị điều tra và đã bị đuổi. Có người đang bị điều tra, và chắc là sẽ bị đuổi. Con của một nữ diễn viên, vốn có quảng cáo với các công ty vì là người nổi tiếng trên mạng, cũng bị cắt hợp đồng.
>>Không công khai thí sinh hưởng lợi từ gian lận điểm thi - nhân văn cho ai?
Còn ở nước ta, mãi tới 9 tháng sau cũng không biết ai là người đã vi phạm. Nghe nói 70 học sinh "bị" sửa điểm giờ... đang ngồi trong giảng đường, chắc là các trường danh tiếng vì điểm cao ngất ngưởng.
Thật ra thì chuyện xấu ở đâu cũng có, xử lý cái xấu nơi nào cũng có, đáng nói là cách xử lý đó có hợp lý hay không. Cho phép các em học sinh trong các vụ gian lận được hưởng điểm mà gia đình đã mua là kinh dị nhất.
Chấm thi và công nhận điểm là việc của ngành giáo dục. Trong trường hợp này, Bộ Giáo dục có toàn quyền công nhận điểm số hoặc bắt thi lại. Bộ đã công nhận, thậm chí là "có hướng giải quyết" là cho các em học sinh đó "giữ điểm" để "kịp kì tuyển thi đại học". Một kỳ thi lại cho vài chục em học sinh khó khăn tới vậy sao?
Năm 1998, kì thi tốt nghiệp phổ thông đã trải qua một chuyện rắc rối không ngờ. Sáng ngày thi đầu tiên, môn thi không phải là Toán. Nhưng một thầy giáo, chủ tịch hội đồng tại một điểm thi, lại bóc đề Toán. Đề thi bị lộ, thí sinh cả nước tạm ngừng thi môn Toán lúc đó.
Cả tháng sau, Bộ Giáo dục mới tổ chức cho thi lại môn Toán để có đủ điểm cho thí sinh cả nước lo việc xét tuyển đại học. Bộ vẫn làm được đấy thôi.
>> 'Đừng đánh đồng việc nâng điểm là thí sinh gian lận điểm thi'
Chuyện không công bố danh tính các em học sinh trong vụ mua bán này không có ý nghĩa gì so với chuyện các em học sinh đó đã nhận những điểm gì, đang ngồi ở trường đại học nào. Xét cho cùng, không công nhận điểm và cho thi lại mới là cách xử lí đúng hướng nhất. Nó mang lại giá trị thực, kết quả thực, đem lại công bằng cho học sinh cả nước, cho cả các em "bị" sửa điểm.
Chuyện không công bố các em học sinh "bị" mua điểm này và cái chuyện hành động đó có nhân văn hay không chỉ là một tấm lụa màu mè khoác lên thái độ bao che.
Có ai hỏi là các vị đứng ra mua điểm đó có bị xử lý chưa? Chắc là chưa, bởi vì người sửa điểm đã bị bắt từ lâu, có ai thấy nói gì tới những phụ huynh có con "bị" sửa điểm đâu.
Thậm chí có vị mà lúc sự việc mới phanh phui chỉ "buồn", giờ chắc cũng chẳng còn buồn.
Cách xử lý vụ mua bán điểm khiến người ta không khỏi liên tưởng đến các vụ mua bán ... dâm. Trong đó người bán thì bị lên báo, còn người mua thì chẳng biết là ai.
Báo chí ở Mỹ bình luận rằng, vụ chạy trường đã khẳng định nghi ngờ của người dân Mỹ về tầng lớp thượng lưu ở đây. Họ dùng tiền và quyền để sống một cuộc sống riêng rồi cư xử như thể ngồi trên pháp luật.
Những gì diễn ra ở Việt Nam cũng sẽ bị suy xét theo xu hướng như vậy, ngày nào mà người mua điểm vẫn còn nhởn nhơ và các em học sinh "bị" sửa điểm vẫn thản nhiên dùng số điểm mà cha mẹ mình mua được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.