Đem câu chuyện gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình đang làm nóng dư luận cả nước, kể bên bàn trà với mấy ông bà nông dân ở quê, tôi nhận được ngay cái chẹp miệng: "Đâu phải bây giờ mới thế. Chẳng qua là lần này chúng nó bất chấp và trắng trợn quá thôi".
Bức tranh gian dối, mảng tối từ đồng quê
Làng tôi thuộc miền trung du Bắc Bộ. Chiều dài làng chừng cây số rưỡi, chạy dọc theo con sông đã đi vào trường ca bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao. Đến ba phần tư dân trong làng có quan hệ anh em họ hàng, nên chuyện hay dở của một nhà là cả làng cùng biết. Thời của tôi, hầu hết đều học hết cấp 2 (hệ 10 năm). Những ai lên cấp 3, vào đại học như tôi, người làng nhớ cho đến bây giờ.
>> Công khai người mua điểm để chấm dứt gian lận kỳ thi năm nay
Thời đổi mới, số thanh niên tốt nghiệp lớp 12 tăng nhiều, lượng người vào đại học cũng đông hơn. Ý chí phải cho con vào đại học để "ly nông" trở thành mục tiêu như gà đua nhau tiếng gáy của các ông bà nông dân có con đi học.
Chắt bóp miếng ăn, bán hết gà lợn, thậm chí vay nóng lấy tiền cho con đi học. Con đỗ bằng thực lực thì vay tiền đóng học phí, tiền trọ, tiền ăn cho con. Một số ông bà thấy con non sức thì lo chuyện "chạy" từ khi học lớp 11, 12.
Khối trường quân đội, công an được "rỉ tai" nhau nhiều nhất: Có cửa chạy mà sau này chúng nó ra trường có lương luôn. Chuyện chạy cho con (hoặc bằng tiền hoặc bằng quan hệ) vào đại học, một số nông dân làng tôi đã có trải nghiệm bằng chính câu chuyện của mình.
Người chạy điểm có thể là "phó thường dân" hoặc là cán bộ. Họ chỉ biết, có người nhận "giúp" bảo đảm chắc chắn con họ đậu. Họ không biết con mình thiếu hay thậm chí thừa mấy điểm sau kỳ thi.
Làng biết cả, nhiều "đứa" bây giờ đã ngoài 40, lên ông nọ, bà kia, có con đi học có khi chuẩn bị lặp lại "kinh nghiệm"của ông bà chúng nó. Khác là giá mua điểm thời nay chắc chắn cao hơn.
Nên chuyện nóng ở Sơn La, Hòa Bình, với làng tôi, họ chỉ rút ra điều khác và mới khi so sánh: trước chạy đôi ba điểm, nay họ dám chạy cả hơn 20 điểm.
>> Không công khai thí sinh hưởng lợi từ gian lận điểm thi - nhân văn cho ai?
Mà không chỉ chạy điểm, con học xong rồi, nhiều ông bà nông dân lại bóp mồm chạy việc cho chúng. Các cơ quan chức năng cứ bảo "không thấy" tình trạng chạy, dân làng tôi biết cả, biết từ lâu rồi.
Hôm ấy, làng có đám tang. Khi làm lễ truy điệu người quá cố, phải mất 15 phút cho đủ các thành phần ban bệ thực hiện nghi lễ viếng. Các đại diện: chi bộ, trưởng thôn, mặt trận, cựu chiến binh, hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, câu lạc bộ gia đình...
Đây là những thành phần trụ cột hình thành bộ máy lãnh đạo, tổ chức, quản lý mọi hoạt động của một đơn vị hành chính nhà nước cấp cơ sở ở mức thấp và nhỏ nhất: cấp thôn.
Ngẫm chuyện "chạy điểm", "chạy việc" dân trong làng kể công khai liên hệ với bộ khung cán bộ quá ư "chuẩn mực" trong đám tang, tôi tự hỏi tiêu cực từ đâu mà ra, ai là người chặn nó đây?
Chuyện của làng tôi thực ra cũng chỉ là góc thu nhỏ, rất nhỏ của bức tranh chung xã hội, trong đó có cả những nơi tôi từng công tác.
>> Bộ Công an trả 28 thí sinh được nâng điểm về Hòa Bình - rồi sao nữa?
Tập thể mắc và thỏa hiệp với gian dối
Trong vụ nâng điểm ở Sơn La, Hòa Bình, các ngành chức năng và dư luận xã hội đang tập trung vào các đối tượng trực tiếp: kẻ nâng điểm, phụ huynh chạy điểm và các em học sinh được nâng điểm.
Đây là cái u ác tính đã phát hiện cần xử lý ngay. Bên cạnh đó, xã hội phải hành động, triệt tiêu các "nguồn bệnh" còn tiềm ẩn.
Ở đây xin không bàn đến những "nguồn bệnh" nằm ở chính ngành giáo dục. Tôi muốn nói nhiều hơn tới "nguồn bệnh" mang tính phổ biến và gây mức băng hoại rộng khắp hơn tới cả cái cơ thể chung là đất nước: bệnh gian dối và thoả hiệp với gian dối.
Gian dối là một thói quen thường mang tính cá nhân. Trong một tập thể (từ 2-3 người trở lên), thói gian dối, theo nguyên lý thông thường, sẽ bị phát hiện và loại trừ.
Thế nhưng ở ta, hiện tượng gian dối tập thể đã trở thành phổ biến. Gian dối tập thể bao hàm việc cả tập thể cố tình gian dối hoặc một bộ phận cố tình và một bộ phận thoả hiệp với gian dối. Nhóm thoả hiệp biết sự việc gian dối nhưng vì lý do nào đó đã chấp nhận.
>> Gian lận điểm thi - Mỹ đuổi ngay, Việt Nam vẫn đi học 9 tháng
Theo thời gian, nhóm thoả hiệp gian dối ngày càng đông hơn. Xét từ hiện trạng bệnh gian dối trở nên phổ biến và trầm trọng như hiện nay, nói có vẻ khó nghe, nhưng thực sự là thói thoả hiệp còn nguy hiểm hơn thói gian dối. Chính sự thoả hiệp là mảnh đất màu mỡ để gian dối tồn tại và lan rộng.
Hãy soi vào sinh hoạt của mỗi cơ quan, nhất là cơ quan nhà nước, chúng ta không khó để tìm ra hiện tượng này.
Không gian dối và thoả hiệp gian dối sao được khi hàng loạt quan chức vào tù với những bản lý lịch năm nào cũng đạt danh hiệu, hoàn thành nhiệm vụ.
Mà họ đâu có phạm pháp tức thời. Việc bầu bán cuối năm có thể là thời điểm nở rộ gian dối và sự thoả hiệp gian dối. "Chiến sĩ thi đua" nhưng cứ phải là "ưu tiên"thủ trưởng to nhất, đến các thủ phó rồi mới đến lượt chiến sĩ thật (vì tỷ lệ giới hạn).
Nhiều năm liền tôi thực sự ngạc nhiên sao nhiều người đã có chức, quyền nhưng không bao giờ chịu nhường cái danh hiệu thuộc về "chiến sĩ" kia cho cấp dưới.
Soi vào tiêu chí xét danh hiệu với thực tế lao động của mỗi cá nhân cũng đã thấy sự không đúng.
Số đông thì nịnh, ngại, sợ, hoặc phớt lờ nên dù biết thừa mấy việc bầu bán này rất gian, họ vẫn cho qua, thoả hiệp bằng cách giơ tay biểu quyết đồng ý với các "chiến sĩ thi đua" đó.
Sự thoả hiệp từ năm này qua năm khác, từ chuyện này sang chuyện nọ khiến thói gian dối cứ thế sống, sinh sôi nảy nở và ngày càng "phì đại".
>> 'Đừng đánh đồng việc nâng điểm là thí sinh gian lận điểm thi'
Sẽ còn cú giật mình nào nữa?
Một bộ phận đông đảo người Việt bây giờ không chỉ thoả hiệp với sự gian dối mà còn thoả hiệp với rất nhiều thói xấu, các loại hình tiêu cực khác. Nhẹ là thoả hiệp với tình trạng xả rác bừa bãi, nặng hơn là thoả hiệp với tham nhũng, thậm chí thoả hiệp với cả cái ác.
Trước kia nâng một điểm thấy "run tay". Trót lọt, nâng 2 điểm và đến lúc những người gọi là thầy giáo dám nâng hẳn hơn 20 điểm cho một thí sinh.
Các tỉnh khác có tình trạng nâng điểm không? Sự gian dối trong việc nâng điểm thi lần này ở Sơn La và Hòa Bình bị tung toé chẳng qua vì những kẻ tham gia trắng trợn quá mức. Bạn học của những học sinh được nâng điểm choáng vì bạn mình từ học dốt thành top đỗ đầu cả nước.
Chính sự thoả hiệp với tiêu cực là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta oằn mình với những bệnh trạng đều ở mức trầm trọng như thế.
Trở lại với cái khung tổ chức cán bộ chuẩn ở làng tôi. Tổ chức nào cũng hoạt động "xuất sắc" cả. Ở các bộ, ban ngành trong cả nước cũng vậy thôi. Nhưng tại sao tiêu cực vẫn ngang nhiên tồn tại?
Đây cũng là vấn đề nhức nhối của cách thức tổ chức, vận hành bộ máy lãnh đạo, quản lý ở khắp nơi trên đất nước.
Nếu không có sự quyết liệt xử lý, hôm nay xã hội giật mình với cú trắng trợn nâng điểm ở Sơn La, mai lại giật mình với cú tiêu cực còn táo tợn hơn không phải ở ngành giáo dục.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.