Nhà cao tầng được xây dày dặc hẳn làm tăng đột biến dân số trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, đường giao thông chưa mở rộng theo quy hoạch thì tất nhiên dẫn đến kẹt xe. Sở Giao thông vừa trình đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông để giải quyết kẹt xe. Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản lại kiến nghị với cấp thẩm quyền tiếp tục cấp phép xây chung cư cao tầng tại khu vực trung tâm.
Kẹt xe tại TP HCM, nguyên nhân tác động từ nhiều phía. Giải pháp giải quyết kẹt xe nếu chỉ nhìn ở một khía cạnh hoặc từ áp lực của cấp trên hay một bộ phận nào đó sẽ khó khả thi, lắm khi chỉ đối phó tình huống nhất thời. Thử nghĩ trong thành này, nếu chưa có phương tiện công cộng thay thế, số lượng khoảng 8 triệu xe máy bị cấm hoạt động sẽ làm cho đô thị đình trệ.
Lộ trình phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng, xe buýt đang được thực thi rất chậm.
Những năm qua, chính quyền thành phố nỗ lực triển khai nhiều công trình giao thông để tăng diện tích mặt đường cho xe chạy nhưng xem ra khả năng đạt chuẩn giao thông đô thị còn khá lâu. Tính đến hết tháng 7/2018, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TP HCM đạt 8,85% (theo quy hoạch là 22,3%). Theo số liệu từ Sở Giao thông vận tải TP HCM, tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn đô thị thành phố khoảng 4.205 km, đạt mật độ 2 km/km2. Trong khi đó, theo quy hoạch, mật độ chiều dài tiêu chuẩn đất dành cho giao thông phải đạt 10-13,3 km/km2.
>> 'Cấm xe máy ở Hà Nội, Sài Gòn là giải pháp đột phá'
>> Hà Nội, Sài Gòn cấm xe máy sẽ hết tắc đường?
Về giao thông công cộng, kế hoạch đã có hàng chục năm. Mạng lưới đường sắt được quy hoạch gồm 6 tuyến metro, 2 tuyến đường ray đơn (monorail), 1 tuyến xe điện (tramway), 2 tuyến nhánh dẫn vào cảng Hiệp Phước và Sân bay quốc tế Long Thành. Toàn hệ thống có tổng chiều dài là 174 km. Trong đó, chỉ có một tuyến metro được thi công là Bến Thành - Suối Tiên, các tuyến còn lại đang ở khâu lập dự án. Xe buýt được cho là chủ đạo, chưa đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại.
Theo lộ trình cấm xe máy từ năm 2025 - 2030, với tốc độ phát triển như vậy, liệu cơ sở hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng có đủ khả năng thay thế số lượng lớn xe máy ở TP HCM ?
Giải bài toán giao thông, cấm xe máy cũng như hạn chế xe cá nhân là ôtô, giảm kẹt xe không thể tách rời ngoài quy hoạch chung của thành phố, phân bố dân cư từng khu vực hợp lý với thực tế. Bên cạnh quy hoạch sắp xếp nơi sinh sống, làm việc cho người dân, quản lý giao thông vận tải cần có giải pháp hữu hiệu ngay từ đầu và đảm bảo nhu cầu giao thông trong tương lai, cần tổ chức xã hội như sắp xếp hệ thống dịch vụ thương mại, nơi nào được buôn bán, không phải hè phố nào cũng thành nơi lấn chiếm của nhà hàng, cà phê, họp chợ. Đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển phương tiện công cộng cần chính sách đột phá, thu hút thêm nguồn vốn tư nhân.
Trong khi chờ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông cần giải pháp để giảm kẹt xe và phát triển bền vững có lợi cho giao thông về sau. Đó là hạn chế tập trung ngày càng đông dân cư trong một khu vực chập hẹp, cụ thể hạn chế nhà cao tầng ở trung tâm và nơi có nguy cơ kẹt xe.
Nhà cao tầng dày đặc vừa làm rối cảnh quan kiến trúc, tăng dân số trong khi hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến kẹt xe trên nhiều trục đường, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất tại TP HCM.
>> Nhà trong hẻm sâu, làm sao cấp cứu đi viện nếu cấm xe máy?
>> TP HCM thu phí ôtô vào trung tâm, kẹt xe có giảm?
Hơn nữa, không gian quy hoạch bị phá vỡ do mật độ dân cư quá lớn so với hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong khi nhiều chủ đầu tư thiếu trách nhiệm bảo đảm chất lượng sống, sinh hoạt, đi lại, thoát nước, không khí, cây xanh... Trong vấn đề này hẳn có biểu hiện chiều ý nhà đầu tư nhiều hơn là bảo vệ cảnh quan đô thị, xem lợi ích cho nhà đầu tư hơn lợi ích chung của người dân thành phố. Điều này cũng cho thấy trong công tác quản lý đô thị còn mang tính riêng biệt và chưa phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng về quy hoạch, xây dựng, giao thông. Nếu không thay đổi cách làm, e rằng giải quyết kẹt xe chỉ là ước mơ.
Thực trạng ở khu vực trung tâm, hàng loạt tuyến đường trục chính bị bủa vây bởi nhà cao tầng trong khi cơ sở hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp, nhiều tuyến đường chưa được mở rộng theo quy hoạch. Khi đó, phải kết nối giao thông ra vào nên xung đột trực tiếp giữa các phương tiện. Dễ thấy nhà cao tầng ở các quận 1, 3, 5, 10. Hay trong phạm vi các tuyến đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với đường Cách Mạng Tháng Tám), Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Hay nơi cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị bủa vây bởi nhà cao tầng. Là người làm công trình xây dựng gần đó nên tôi đã thấy nhiều công trình nhà cao tầng đã và đang triển khai ở khu vực đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng, Phan Thúc Duyện, Phạm Hồng Thái, Hoàng Văn Thụ, Trà Khúc, Sông Đà, Sông Đáy, Đồng Nai, Tiền Giang, Cửu Long, Phổ Quang, Cộng Hòa... Cửa ngõ sân bay vốn đã ùn tắc giao thông, lẽ ra nên hạn chế hoặc cấm xây nhà cao tầng từ lâu.
Ngay các tuyến đường huyết mạch vốn kẹt xe và ngập nước lại "mọc lên" nhiều nhà cao tầng như Điện Biên Phủ và Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Lý Thường Kiệt - Đối diện nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11). Chỉ một đoạn ngắn đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) dày đặc nhà cao tầng, ban đầu là dự án Sài Gòn Pearl với một quần thể cao ốc có chiều cao lên đến 38 tầng gồm 2.200 căn hộ, khu The Manor trên 1.000 căn hộ, khách sạn cao 40 tầng với hệ thống trường học và trung tâm thương mại, ước tính số dân nơi đây hơn 10.000 người. Phần lớn cư dân có thu nhập khá, thường sử dụng xe hơi để đi lại nên đã tạo áp lực lớn giao thông lên đường Nguyễn Hữu Cảnh.
>> 'Ngoài tăng phí đậu ôtô, cần cấm xe máy khu trung tâm Sài Gòn'
>> Việt Nam nên cấm xe máy để người dân bỏ thói quen lạng lách'
Phải chăng khu vực trung tâm, các trục đường có khả năng sinh lợi cao, cửa ngõ sân bay hay những nơi được cho là trắc địa "đất vàng" luôn được nhà đầu tư quan tâm với mong muốn làm dự án kinh doanh dù biết rằng hạ tầng giao thông vẫn chưa thể đảm bảo nhưng vì lợi nhuận cao ?
Khách quan nhận xét, xây nhà cao tầng nhằm phục vụ phát triển thương mại, tạo vóc dáng đô thị văn minh và hiện đại, chứ một thành phố có hơn 13 triệu dân sẽ không đủ đất phân lô, bán nền. Song thực tế, không ít nhà đầu tư muốn chọn những nơi có sinh lợi cao và bất chấp hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, lợi dụng dự án xây dựng văn phòng nhưng lại xin điều chỉnh sang chung cư.
Lãnh đạo thành phố từng chỉ đạo các sở ngành phối hợp kiểm tra, không cấp phép xây dựng dự án cao tầng có dân cư đông tại các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Dù vậy, thời gian qua nhà cao tầng vẫn mọc lên.
Chọn nơi có khả năng sinh lợi cao để xây nhà cao tầng, chuyển công năng sử dụng từ văn phòng sang chung cư là lợi ích nhà đầu tư nhắm đến. Còn cấp phép hay không, lại ở cơ quan chức năng.
Giải quyết hiệu quả tình trạng kẹt xe cho TP HCM, ngoài sự tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông thì giải pháp trước mắt là hạn chế nhà cao tầng như chung cư, mở khu dân cư mới ở những nơi vốn đã kẹt xe hoặc có nguy cơ ùn tắc giao thông. Đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ trong quản lý trên cơ sở khoa học. Ví dụ, khi quy hoạch hoặc cấp phép xây dựng, nên ưu tiên hạ tầng giao thông đi trước, tính toán nhu cầu tương lai đi kèm giải pháp phát triển bền vững đời sống người dân về đi lại, môi trường, phù hợp tầm nhìn phát triển dân số và nhu cầu xã hội.
Nên chăng cần có đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể và rõ ràng trong công tác quản lý, điều phối giữa các sở ngành liên quan quy hoạch, xây dựng, giao thông sao cho đảm bảo không gây kẹt xe.
Trên cơ sở đó, rà soát lại quy hoạch và căn cứ thực tế để hạn chế xây nhà cao tầng như chung cư ở những nơi vốn đã đông đúc, ùn tắc giao thông. Có thể ban hành văn bản và điều kiện để quy hoạch khu dân cư, nhà cao tầng ở những khu vực và tuyến đường chưa thể cấp phép xây dựng.
Quy định cụ thể vị trí và diện tích đất được phép xây dựng, các loại chung cư và số lượng dân sinh sống, không gian công cộng và lộ giới tuyến đường phục vụ nhu cầu giao thông... Đồng thời xem xét trong việc cấp phép xây dựng các công trình lớn tại khu vực trung tâm một khi đã đảm bảo nhu cầu giao thông, thoát nước. Ngoài ra, có thể phân kỳ đầu tư phù hợp với thực trạng đô thị, chỉ cấp phép công trình có sẵn bãi giữ xe cũng như đường kết nối giao thông đã mở rộng.
Đây là lúc thuận lợi để giãn dân cư ở nội thành bằng cách đầu tư cho ngoài thành về sinh hoạt, việc làm, đi lại. Cần có cơ chế giảm thuế, tiền sử dụng đất và các ưu đãi khuyến khích đầu tư ở những nơi đã được quy hoạch như khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi), khu Công nghệ cao (quận 9)...
Tuy nhiên, cũng phải tính toán để tránh kẹt xe trong tương lai, lựa chọn mô hình phát triển nhà cao tầng có lợi cho giao thông, chỉ cho phép xây dựng 1/2 hay 1/3 diện tích đất, phần còn lại dành cho giao thông. Thay vào đó, chủ đầu tư được tăng số tầng tương ứng diện tích sàn theo nhu cầu.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.