Tình cờ đọc tin về hội thảo giao thông thành phố Sài Gòn, một phó giáo sư, tiến sĩ nêu tham luận đại ý: cấm hẳn xe máy, không thể để cái nghèo "đe dọa" chúng ta trong quy hoạch giao thông thành phố. Ông còn nói chính xe máy là thủ phạm gây tai nạn giao thông nhiều nhất. Cấm xe máy là tốt nhất. Trước cũng nghe một tiến sĩ khác hiến kế: cứ để xe máy thật nhiều. Khi không lưu thông được, người dân sẽ chọn lựa phương tiện công cộng.
Tôi chỉ là thường dân, đề xuất suy nghĩ nhỏ về vấn nạn giao thông thành phố.
Trước mắt phải xác định, nếu không giải quyết nạn kẹt xe, Sài Gòn sẽ là một thành phố đáng sợ chứ không phải đáng sống.
Hậu quả hàng ngày, mỗi người chúng ta đều đối mặt: ô nhiễm không khí, tiếng ồn, tốn kém thời gian, công sức. Có ý kiến cho rằng, mỗi người dân, già trẻ, đều hít phải chất độc từ khí thải xe máy.
Giải quyết giao thông, không thể chỉ giao cho Sở giao thông, mà phải cùng chung tay của cả chính quyền thành phố.
1- Phải tiến hành khảo sát xã hội học: vì sao người ta chạy xe ra đường quá nhiều? Chạy để làm gì? Ai là người đi ngoài đường nhiều nhất?... Ngoài ra còn phải khảo sát dân số học (xác định mật độ dân số từng vùng của các quận, đẻ dễ nắm số lượng người giao thông), kinh tế học (xem việc chạy xe có liên quan đến hoạt động sản xuất không, nhiều hay ít...)...Để đề ra phương hướng điều tiết giao thông hợp lý. Và phải lập một ủy ban quản lý giao thông công cộng có năng lực.
>> Cấm xe máy, đô thị Việt dẹp được nhiều thói xấu
2- Xác định xe máy là cần thiết cho việc đi lại (đa số dân xử dụng) nhưng phương tiện công cộng (xe buýt, xe điện, ...) phải là chủ đạo. Từ đó, hạn chế xe cá nhân để mở rộng phương tiện công cộng. Thành phố phải chuẩn bị vốn để đầu tư thật cấp bách, thật to lớn cho phương tiện công cộng. Dần dần phương tiện này nhận lãnh vai trò chính trong giao thông đô thị. Khuyến khích, tạo điều kiện cho nước ngoài vào đầu tư metro như ở Singapore.
3- Tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" về giao thông, có thể sẽ áp dụng một số biện pháp mạnh tay dù gây tranh cãi. Chẳng hạn ngưng ngay việc cấp phép lưu thông mới cho ôtô, xe máy.
Tất cả xe không mang biển số thành phố đều sẽ dần dần chấm dứt lưu thông khi phương tiện giao thông công cộng đảm nhận được vai trò của mình.
Những cư dân ngoại tỉnh đều phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi làm việc, sinh sống ở thành phố, dĩ nhiên, lúc này xe buýt phải nhiều. Xe con từ 4 đến 7 chỗ lưu hành theo theo ngày chẵn, lẻ dựa vào biển số. Trừ xe công vụ như chữa cháy, cảnh sát, cứu thương, hay những dịch vụ cấp thiết quốc gia.
Nhưng khi thấy bí bách thì có thể nới lỏng chút đỉnh. Chỉ cho phép đổi xe cũ sang xe mới. Phương tiện cũ sẽ được chính quyền thu mua và bán lại cho những địa phương ít xe cộ hơn.
Những phương tiện vận chuyển vật tư "rắn" như vật tư xây dựng, kể cả xe thô sơ, đều phải hoạt động ban đêm, từ 11 giờ tối đến 4 giờ sáng, trừ những khu vực, phương tiện sản xuất quan trọng, có cân nhắc cho phép lưu thông ngoài giờ đó.
>> 'Cấm xe máy, mọi thứ sẽ tự nhiên dịch chuyển'
4- Việc hạn chế giao thông trên chỉ thực hiện khi thành phố có đủ xe buýt, xe điện, và hệ thống xe công cộng này đã trải đều thành phố. Bắt buộc đi xe buýt đối với tất cả sinh viên, viên chức, công chức nhà nước, các học sinh từ tiểu học trở lên. Hạn chế việc đưa đón bằng xe cá nhân, trừ những người có công việc đặc thù như cảnh sát, công an...
Muốn có hệ thống xe buýt đều khắp thì vỉa hè cần giải quyết rốt ráo: thành lập một công ty quản lý vỉa hè trực thuộc thành phố. Không thể có "cát cứ" cho vỉa hè. Nếu chưa sử dụng hết thì phân cho hộ dân có mặt tiền sử dụng một khoảng không gian nhất định, và phải đóng phí, tùy vị trí buôn bán.
Những người bán hàng rong cần phải đăng ký, sử dụng một loại xe thô sơ có những mẫu quy định, và phân bổ ra các trục đường thuận tiện. Dần dần quy hoạch họ vào những khu nhất định. Vỉa hè không thể là nơi muốn bán cái gì cũng được, muốn chiếm bao nhiêu cũng được, và muốn làm gì cũng được. Phải dành vỉa hè cho người đi bộ đến trạm xe buýt, xe điện...
Nới rộng hàng năm số đường đi bộ ở khu vực trọng yếu. Các trạm xe buýt phải thoáng, rộng, mát, không thể để như hiện nay, người đi xe buýt như bị gạt ra ngoài lề xã hội.
5- Dời ngay ga xe lửa ra ngoại thành, sử dụng chỗ của đường rây làm đường lộ, ga xe lửa thành bến xe buýt. Xe lửa chả lợi gì mà gây cản trở giao thông thành phố rất nhiều. Hàng trăm giao lộ xe lửa chạy qua là hàng trăm ách tắc giao thông. Dời tất cả cơ sở sản xuất có quy mô lớn, vừa ra khỏi trung tâm thành phố. Nhà nước xây nhà xã hội bán rẻ, cho thuê để công nhân khỏi phải dùng xe máy đi làm.
6- Mời nước ngoài đầu tư tàu điện ngầm, hoặc hợp tác, hoặc giao hẳn họ xây dựng, điều hành, chuyển giao. Sự có mặt của loại hình giao thông này phải là mục đích cuối cùng cho giao thông đô thị.
>> Lộ trình cấm xe máy là 'bảo chứng' để tư nhân đầu tư tàu điện
7- Về lâu về dài, tất cả các cơ quan hành chính thành phố đều phải tập trung về một chỗ, có nhà công vụ, nơi sinh hoạt cho viên chức, công chức. Đất, nhà đang sử dụng chuyển sang mục đích phục vụ công cộng như xây nhà mẫu giáo, công viên, hoặc bán đấu giá lấy tiền nộp ngân sách.
Khi tiến hành xây dựng những gì liên quan đến đường sá như đào cống, nới rộng đường, lắp đặt cáp quang, dựng trụ điện... đều phải làm 3 ca, không nghỉ ngày nào kể cả ngày lễ.
8- Để người dân bớt căng thẳng khi lưu thông ngoài đường, đề nghị không phát loa ầm ĩ, bảng quảng cáo, bảng hiệu đều phải nằm dọc theo mặt tiền nhà, tức dọc lề đường, không được nằm ngang trên khoảng trống của vỉa hè. Việc dựng bảng khẩu hiệu nên xem lại vị trí đặt vì không ai vừa chạy xe vừa ngó chúng bao giờ, ngoại trừ muốn gây tai nạn vì phải đọc những câu khẩu hiệu dài ngoằn. Chỉ có bảng chỉ dẫn đường được phép có mặt trên các lề đường để hướng dẫn giao thông mà thôi.
9- Nghiên cứu lưu lượng người lưu thông bằng tin học, quan sát xe cộ đi lại bằng vệ tinh để có biện pháp phân luồng, phân làn, thiết lập thêm đường một chiều, những điểm hay kẹt xe phải luôn luôn có cảnh sát túc trực điều hành.
10- Đẩy mạnh và phát triển giao thông đường thủy vì Sài Gòn có rất nhiều kênh rạch, thuận tiện cho loại hình vận chuyển bằng tàu thủy. Cần lập lại trật tự việc lấn chiếm bờ kênh, bờ rạch, nạo vét thông suốt, khuyến khích đầu tư vận chuyển đường thủy.
>> Tội của xe máy là quá tiện lợi và ai cũng mua được'
11- Ngày tết đường phố Sài Gòn vắng tanh. Dân nhập cư về nhà ăn tết. Bảng số xe gần một phần tư là của các tỉnh. Kinh tế Sài Gòn phát triển nhờ công sức của lao động nhập cư. Nhưng chính sự có mặt của họ cùng với chiếc xe máy làm mật độ xe lưu thông tăng cao. Sài Gòn cùng các tỉnh lân cận phối hợp tổ chức phát triển các ngành kinh tế phù hợp, thu hút và giữ chân họ "ly nông, bất ly hương", và đây là hướng tốt nhất để giúp thành phố tránh "bội thực" lao động.
12- Một điều cuối cùng là giáo dục văn hóa giao thông ngay lúc trẻ còn học mẫu giáo.
Các em sẽ tập đi xe công cộng, các em sẽ ý thức được tính tập thể, lịch sự, trật tự từ nhỏ. Người lớn chúng ta nên gương mẫu trong việc lưu thông, tập quen với xe buýt. Ý thức nhân đạo sẽ hình thành từng chút, người giàu sẽ đi xe buýt chứ không chỉ người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Khi số lượng xe cá nhân giảm đi, phương tiện công cộng sẽ chiếm chỗ cho việc đi lại cho xã hội. Người dân thành phố sẽ đi bộ nhiều, tốt cho sức khỏe, sẽ kỷ luật hơn, lên xuống xe trật tự, lòng nhân ái được nhân lên, qua những việc nhỏ như nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai.
Đến một lúc nào đó, đi xe buýt nhanh hơn, đúng giờ hơn, rẻ tiền hơn, tiện nghi hơn. Người dân sẽ tự nguyện bỏ dần xe cá nhân, thành phố sẽ bớt ô nhiễm, ra đường sẽ không còn cảnh đánh nhau vì va quẹt. Thành phố không còn những con đường ngập tràn xe máy nhích từng chút, nhả khói xe đầy trời. Việc đi lại dễ dàng sẽ giảm đi rất lớn sự lãng phí cả tinh thần lẫn vật chất do kẹt xe gây ra.
>> 'Virus' xe máy đã tàn phá đô thị Việt Nam như thế nào
Tất nhiên, những biện pháp trên chỉ áp dụng cho một số quận nội thành dân cư nhiều. Những quận khác có thể áp dụng biện pháp khác mềm dẻo hơn, miễn là việc chuyển đổi mô hình vận chuyển cá nhân sang công cộng không ảnh hưởng đến đời sống, sức sản xuất của thành phố to nhất nước, năng động nhất nước, và quan trọng là đóng góp ngân sách nhất nước.
Chỉ cần nhìn giao thông, người ta đánh giá trình độ phát triển của một thành phố, một đất nước.
Lúc đó, cấm xe máy hay không cấm xe máy sẽ không quan trọng. Quan trọng là lựa chọn của người dân.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.