Mới đây, chúng ta được biết bảng xếp hạng về hạnh phúc của các nước trên thế giới và cũng đã biết vị trí của chúng ta trong bảng xếp hạng này (đứng vị trí 94). Nhiều người ngạc nhiên vì cho rằng vị trí đó quá thấp, nhiều người lại nghĩ "thế là may lắm rồi".
Một bảng xếp hạng mang tính quốc tế như vậy luôn nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Hạnh phúc là một khái niệm rất khó định nghĩa vì mỗi người xác định một tiêu chí riêng về vấn đề này.
Một anh xe ôm bận rộn, nhiều khách, có tiền đưa cho vợ đều đều sẽ cảm nhận hạnh phúc riêng của mình trên mỗi chuyến xe. Một bác sĩ sau khi bệnh nhân khỏe mạnh ra viện sẽ lặng lẽ nhìn theo và tận hưởng cảm giác hạnh phúc âm thầm của mình.
Một bà nội trợ nhìn cả nhà ăn uống ngon lành cũng sẽ lặng lẽ mỉm cười với hạnh phúc nhỏ nhoi của mình. Một đôi bạn trẻ mới yêu nhau sẽ luôn nhìn đời bằng một ánh mắt ngập tràn hạnh phúc và cái gì xung quanh họ cũng đẹp, ai cũng hạnh phúc. Một anh bạn thích tụ tập, giao lưu, thì sáng ăn phở, uống cà phê, chiều gọi bạn làm mấy vại bia tán dóc ngồi ngắm đường phố thì đó là hạnh phúc.
Vậy thì tiêu chí là gì để gọi là hạnh phúc? Có những thứ sẽ chung cho tất cả. Đó là gì?
Tôi không hiểu rõ lắm về chỉ tiêu xếp hạng của thế giới, nhưng có những thứ sẽ cần phải có được nếu như chúng ta muốn hạnh phúc, theo một nghĩa tương đối tổng quát.
Thứ nhất, muốn hạnh phúc thì phải khỏe. Có ai bị bệnh mà hạnh phúc đâu trừ khi khỏi bệnh. Để có sức khỏe thì đã biết thế nào là khỏe và làm thế nào để khỏe chưa? Xin thưa, có nhiều người không biết. Tôi thấy nhiều người vẫn hút thuốc, vẫn nhậu nhẹt, vẫn ăn những món khoái khẩu (tiết canh, gỏi...) và vẫn tự nhận mình là hạnh phúc vì họ vẫn đánh tennis đều đều.
Tôi biết rất nhiều người cách đây khoảng 10 năm luôn tự hào là mình khỏe, mình hạnh phúc, tự do uống rượu và hút thuốc (theo kiểu sáng đi ăn phở, cà phê, ban ngày thì phì phèo thuốc lá, chiều về đi nhậu, và tất nhiên vẫn phì phèo thuốc lá). Nay không ít người trong số họ đã bị bệnh tật tra tấn (phần nhiều là bệnh nan y liên quan đến lối sống) và đã có người nằm xuống.
Có thể họ có quan điểm "chất lượng cuộc sống" của họ chỉ cần như vậy, không cần lâu.
Đàn ông thường hay vỗ ngực tự cho là mình khỏe, bất khả chiến bại, nên hay chủ quan. Còn phụ nữ họ âm thầm kín đáo là vậy nhưng họ chu đáo và luôn cẩn thận với sức khỏe của mình. Nếu dùng tiêu chí sức khỏe để nói về hạnh phúc, chưa chắc đàn ông đã hơn phụ nữ.
Thứ hai, phải an toàn.
An toàn ở đây có nhiều thứ. Nói về an toàn giao thông trước đã. Khi ra đường, nhất là các thành phố lớn kẹt xe liên miên, bóp còi inh ỏi, xe máy vọt lên vỉa hè, đi theo kiểu "lấp chỗ trống". Va vào nhau một tí là quay lại chửi, khói và mùi xăng nồng nặc, không ai chịu nhường nhịn ai, mạnh ai nấy phóng, chỉ cần sơ sẩy chút là va quẹt.
Đi đường xa thì xe khách nhồi nhét, phóng nhanh vượt ẩu, nguy cơ tai nạn rình rập. Đó là mối hiểm họa đối với hạnh phúc của từng gia đình.
Hạnh phúc là chỉ khi nào ta có một môi trường giao thông an toàn. Tiếp đó là an toàn thực phẩm, hiện nay có mấy gia đình dám thoải mái ra chợ nhìn thấy thực phẩm là mua không?
Các bà nội trợ còn phải đi đúng hàng quen, lựa lên lựa xuống, nhưng trong đầu vẫn có ý nghĩ là không biết có tí hóa chất nào trong thực phẩm đó không (rau, thịt cá, quả tươi). Rồi việc gửi con ở trường, phụ huynh nào chả lo cho bữa ăn của con, có ai không lo nghĩ về bữa ăn trưa của con có bảo đảm hay không. Vậy thì điều này có ảnh hưởng đến hạnh phúc không?
Câu trả lời là thực phẩm không an toàn thì không thể nào hạnh phúc vì nó liên quan luôn đến cái sức khỏe và tính mạng của mình.
Giao tiếp xã hội cũng sẽ là một tiêu chí quan trọng và là vấn đề rất phức tạp. Các tình huống có thể gặp hàng ngày liên quan đến giao tiếp:
1/ Đi đường chạy xe ẩu, chen lấn xô đẩy, không nhường nhịn, gây nên nguy hiểm và ức chế cho người khác và bản thân mình.
2/ Vào siêu thị hay cửa hàng không biết xếp hàng, chen lên bằng được bất kể đến trước hay đến sau. Cái này cũng làm người khác ức chế và dễ xung đột.
3/ Đi làm thì quan hệ cấp trên - cấp dưới có phù hợp, phân công công việc có phù hợp không, có quan tâm đến đời sống nhân viên không... Quan liêu, xa rời, phân công công việc không hợp lý, hoặc lười làm việc, không đảm bảo năng suất, chất lượng... đều đưa đến ức chế và cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý.
4/ Đi đâu làm gì quan trọng (xin học cho con, xin việc, vào bệnh viện) cũng cứ phải có phong bì, bồi dưỡng, lót tay, hoặc phải có mối quan hệ mới được việc. Những điều này đều ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi gia đình, và tất nhiên nó chi phối yếu tố hạnh phúc.
5/ Quan hệ tình cảm trong gia đình và ngoài gia đình là những mối quan hệ rất phức tạp và quyết định cho hạnh phúc. Dù anh có nhiều tiền nhưng vợ chồng anh không còn tình cảm, thì đâu có hạnh phúc. Vợ chồng anh giàu nhưng con anh hư hỏng lêu lổng, thì anh chị đâu có hạnh phúc. Anh đi bồ bịch lăng nhăng rồi anh nghĩ đó là hạnh phúc, nhưng rốt cuộc thì anh được gì, có gọi là hạnh phúc?
>> Bài viết cùng tác giả: Phụ huynh nên tự nấu cơm trưa cho con mang đi học
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.