Tôi biết học tích phân, đạo hàm và lượng giác để làm gì. Các kiến thức này rất quan trọng nếu bạn là kỹ sư hay các nhà khoa học chuyên về toán, lý, hóa, tin học. Đây là các kiến thức nền tảng để tính diện tích, thể tích các vật hay không gian không lý tưởng (như các loại đường ống dẫn hóa chất), các khái niệm hình học không gian và lực đẩy, rất quan trọng trong xây dựng. Các ngôn ngữ lập trình để tạo ra các chương trình điều khiển tự động cho các hệ thống máy cũng cần các dạng toán này.
Những ví dụ kể trên, tất nhiên, chỉ dành cho những người học đại học các ngành này. Bác sĩ không cần, luật sư không cần, doanh nhân không cần, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội không cần, các ngành nghề không đòi hỏi cấp đại học càng không cần.
Vì vậy, ở các nước phát triển các dạng toán này chỉ được dạy ở bậc đại học cho các sinh viên đã chọn theo các chuyên ngành này. Học sinh cấp ba ở Mỹ, nếu định hướng theo ngành kĩ thuật, cũng có thể đăng kí các lớp "Advance Placement" để học các kiến thức này. Tuy vậy các dạng toán này, nếu được dạy ở cấp ba thì cũng chỉ dừng lại ở mức cơ bản, không dạy các dạng đạo hàm tích phân nâng cao, cũng không dạy mấy phương trình lượng giác nhìn vào đã rối mắt.
>> Đừng nhốt thiên nga trong ao nhỏ
Tôi học đại học ngành kỹ sư hóa ở Úc. Năm nhất thì học các môn khoa học cơ bản là nhiều chứ chưa đi vào chuyên ngành. Toán chúng tôi học phương trình bậc ba, tích phân và đạo hàm cơ bản, lượng giác cơ bản (kiểu như đồ thị hình sin), xác suất thống kế cơ bản. Đại khái chương trình toán cấp đại học ngành kỹ sư ở Úc khoảng cỡ lớp 10 ở Việt Nam.
Sau đó đi vào chuyên ngành thì các môn Toán sẽ phát huy tác dụng ngay lập tức. Chúng tôi học thiết kế các loại bình, ống, diện tích mặt giao tiếp trong quá trình chuyển hóa nhiệt đều cần tích phân, đạo hàm. Các mô hình sóng tạo ra do chân vịt quay trong chất lỏng (khi dùng chân vịt cỡ lớn để khuấy hóa chất) cần hiểu về lượng giác...
Nhưng không vì vậy mà chương trình đại học ở Úc "nhẹ". Chúng tôi phải học rất nhiều thứ, rất nhiều giờ, những lúc làm thí nghiệm để viết luận án tốt nghiệp thì nhiều khi phải chờ tới tối cho phản ứng kết thúc để thu dữ liệu. Còn nhiều thứ khác nữa, như là phải đi các chuyến "field trip" tới các nhà máy để học hỏi và viết báo cáo, phải học cách viết báo cáo khoa học, cách chuẩn bị thuyết trình và thuyết trình về các dự án, cách phối hợp thiết kế nhà máy, các nguyên tắc về an toàn trong nhà máy, cách tính toán tiền bạc sao cho các thiết kế dùng được mà không lỗ vốn, mối quan hệ giữa thiết kế và môi trường, cách quan hệ ngoại giao với giới chức, các khái niệm cơ bản về tuân thủ luật pháp khi thiết kế nhà máy, kiến thức luật pháp về sở hữu trí tuệ...
>> Giáo dục đòn roi tạo ra những người 'sợ trên, ăn hiếp dưới'
Các "kỹ năng mềm" như học vi tính, cách làm việc nhóm thì coi như tất nhiên. Thậm chí đến cách ăn mặc, viết thư xin việc, cách uống rượu khi tiếp đối tác cũng có dạy tất, mặc dù chỉ là những sự kiện mỗi kỳ có vài lần, do nhà trường mời các chuyên gia bên ngoài tới nói chuyện với sinh viên.
Tích phân, đạo hàm, lượng giác đều quan trọng, nhưng ở Việt Nam thì dạy sai người và sai lúc. Các em học sinh cấp ba không cần phải học mấy thứ đó, trừ khi đã định hướng đi ngành kỹ thuật, và cũng không cần phải học nhiều như vậy. Đấy là chưa kể đến các kiến thức hóa học, vật lý và sinh học nữa chứ. Quá trình tổng hợp protein và quá trình nhân đôi DNA khi tế bào phân chia là kiến thức sinh học cấp đại học ở Mỹ, còn ở Việt Nam thì đó là bài thi tốt nghiệp cấp ba của tôi.
Và bởi vì phải học mấy kiến thức cỡ đó nên học sinh Việt Nam chẳng có thời giờ để học những thứ cần thiết trong cuộc sống. Các em học văn thế nào mà viết đơn xin việc không được, viết email không thông, báo cáo cho sếp cũng khó.
Cách giao tiếp thì bị chê là kém, phối hợp nhóm cũng không xong, kiến thức sử dụng vi tính cơ bản thì cũng ít. Ra trường lúc đi làm sếp có gì sai cũng không dám góp ý, giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp cũng kém, có vấn đề gì cũng không tự tìm hiểu mà phải hỏi sếp. Xin nói thêm là đây là góp nhặt lời chê bai của các nhà tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, có thể tìm thấy nhan nhản trên báo và trên mạng, chứ không phải là lời của tôi.
>> 'Kiến thức phổ thông chắp cánh cho sáng chế, không phải đánh đố để thi cử'
Còn một điều nữa mà tôi xin nói thêm, đó là giáo dục thể chất ở Việt Nam gần như không có. Mấy tiết học thể dục mỗi tuần ở Việt Nam chỉ có tác dụng làm các em học sinh phải mặc đồ khác đi chứ Việt Nam không sản sinh ra các vận động viên tầm cỡ từ môi trường phổ thông. Đối với đa số người dân thì tập thể dục thể thao thường xuyên là một điều bí ẩn. Khả năng làm việc cường độ cao của người Việt Nam thật ra rất kém, do sức khỏe yếu. Điều này nếu các bạn có làm việc ở các nước phát triển sẽ hiểu.
Gần đây có tranh luận về việc đổi giờ làm hành chính, có rất nhiều ý kiến phản đối vì người ta cho rằng phải ngủ trưa. Ngủ trưa là thứ chỉ có ở Việt Nam và Costa Rica, chứ các nước ai cũng làm việc sau một giờ hay nửa giờ ăn uống. Sức khỏe rất quan trọng mà nhiều người Việt Nam còn phải ngủ trưa mới làm nổi.
Đó là điểm khác biết lớn về lượng kiến thức ở các bậc học phổ thông Việt Nam so với các nước tiên tiến. Học bậc đại học ở Úc và hậu đại học ở Mỹ, tôi thấy mình học phổ thông vừa thừa vừa thiếu. Sang nước người mới thấy mình giao tiếp tệ, làm việc nhóm kém, khả năng suy nghĩ phản biện gần như không, và tệ nhất là sức khỏe kém.
Vậy đó, tích phân lượng giác thì đều cần thiết, chỉ là không cần thiết với các em học sinh phổ thông sau này trở thành bác sĩ hay các nghề không phải kỹ sư khoa học mà thôi. Có lẽ mấy môn này nên được giảm bớt ở bậc trung học để các em học sinh còn lớn được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh