Có lần tôi được nghe một câu chuyện về một người mẹ bên nước Mỹ những năm 60 thế kỷ trước. Bà đã kiện nhà trường nơi con theo học vì cô giáo đã dạy con gái bà biết chữ O khi cháu chỉ vừa 5 tuổi.
Bà cho rằng nhà trường đã giới hạn tư tuy, tước đi trí tưởng tượng của con gái bà, giống như những con thiên nga bị cắt một cánh để khỏi bay khỏi thảo cầm viên hoặc bị nhốt trong những chiếc ao bé nhỏ, không thể có đủ đà để vươn cánh. Lập luận có phần kỳ lạ của người mẹ này đã thuyết phục được các thẩm phán. Cuối cùng trường mầm non nơi con bà đang theo học phải bồi thường "tổn hại tinh thần" cho người mẹ và con gái của bà.
Con trai tôi vừa hoàn thành lớp một với thành tích học sinh giỏi, học bạ toàn điểm mười. Là cha mẹ ai cũng vui mừng và tự hào vì thành tích học tập của con cái. Tuy nhiên với những thông tin trên báo, đài về tình trạng học sinh giỏi tại các trường còn nhiều hơn cả học sinh khá và trung bình, những người quan tâm thực sự đến giáo dục thì không biết nên mừng hay nên lo cho hiện tượng này.
Thực sự sinh viên, học sinh của chúng ta có giỏi như vậy không? Rất nhiều thầy cô giáo phổ thông đang dạy thêm dù việc này bị cấm, và lẽ dĩ nhiên những học sinh đi học thêm khó mà để tuột mất vị trí học sinh giỏi. Tôi đã phải đấu tranh rất nhiều lần với vợ để con trai tôi khỏi phải đi học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm vì vợ tôi sợ con mình bị "đì".
Rất nhiều phụ huynh không biết rằng trẻ em tiểu học cần chơi hơn học. Điều này sẽ giúp cho các cháu phát huy trí tưởng tượng, tăng cường thể chất. Bắt một đứa trẻ học từ 7h30 sáng đến 4h30 chiều (bán trú), và học thêm từ 5h đến 8h tối, học thêm anh văn vào thứ 7 và chủ nhật là các bạn đang hại chính con của mình.
Tôi đang tham gia giảng dạy tại một số trường cao đẳng và đại học tại TP HCM. Tôi gặp không ít trường hợp sinh viên có học bạ cấp ba đẹp như mơ với tất cả các môn học có điểm số thuộc hàng xuất sắc, nhưng không thể trả lời được những câu hỏi có kiến thức vô cùng căn bản. Sinh viên có điểm số tiếng Anh trên tám chấm lại không thể giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh hoặc giao tiếp bằng các câu nói thông thường.
Các bạn này lại tiếp tục sống vật vờ trong những năm tiếp theo tại giảng đường, tìm mọi cách, thậm chí là gian lận và mua chuộc thầy cô, để qua môn và có được tấm bằng theo mong mỏi của cha mẹ. Một bức tranh khá u ám cho sinh viên học sinh thế hệ Z (gen Z, sinh sau năm 1995), một thế hệ các quốc gia trên thế giới có khá nhiều kỳ vọng trong việc tạo ra các bước đột phá về khoa học kỹ thuật.
Một quốc gia phát triển là quốc gia phải có những con người giàu trí tưởng tượng, trí tưởng tượng đem lại những đột phá về không chỉ khoa học kỹ thuật mà còn cả trong văn học, nghệ thuật và đời sống. Một Thomas Edison giàu trí tưởng tượng đã cho ra đời hàng ngàn phát minh hữu ích cho cuộc sống. Elon Musk và những công ty của ông ra đời từ những ý tưởng điên rồ và biến những điều không thể thành hiện thực. Những bộ truyện tranh, phim hoạt hình như Mickey Mouse, Doraemon, Tin Tin...lừng danh thế giới là thành quả của những con người giàu trí tưởng tượng. Và thậm chí rất nhiều bộ phim bom tấn của Hollywood là thành quả của trí tưởng tượng khủng khiếp trên đất Mỹ.
Tôi thực sự mong mỏi có ai đó có thể mạnh tay dẹp bỏ được những cuốn bài văn mẫu, những đề toán mẫu đang hoành hành tại các trường học trên cả nước. Dẹp bỏ được nạn học thêm, dạy thêm, dẹp bỏ được nạn thành tích để chúng ta có những sinh viên giỏi, xuất sắc theo đúng nghĩa của nó. Đừng để con thiên nga bị nhốt trong cái ao quá nhỏ hoặc bị cắt mất một cánh, đừng giết trí tưởng tượng của trẻ khi chúng chỉ vừa chớm nở.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Henry Nguyễn