Ngày xưa, tôi học đại học Bách khoa, ngành kĩ sư hóa. Năm nhất, tôi được học 4 môn Toán, 2 môn Vật lý, 2 môn Hóa, 2 lớp tiếng Anh, cùng các môn phụ khác như thể dục, triết học.
Môn Toán rất khó. Tôi không hiểu được mấy, đi thi không trượt đã là may. Vật lý thì thầy dạy tôi nghe đồn không có bằng đại học, vì lý do "trời biết" mới được đi dạy. Không biết có hay không nhưng tôi cũng không hiểu gì.
Hóa học mới là môn ám ảnh kinh khủng nhất. Khi dùng pipette (giống cái ống hút), chúng tôi được hướng dẫn là phải dùng bóng cao su để bóp. Nhưng thực tế thì không có cái bóng cao su nào cả, nhiều ban dùng... miệng để hút. Thí nghiệm tạo ra khí NO2 (rất độc hại) thì làm xong sẽ đưa ra trời cho gió thổi đi rồi sẽ đem dụng cụ rửa.
Tôi vẫn nuôi hy vọng là sau mười mấy năm, mọi chuyện đã khá hơn. Nhưng cứ thấy các nhà tuyển dụng chê sinh viên mới ra trường, tôi e rằng mọi thứ vẫn như vậy. Chương trình giáo dục đại học ở Việt Nam hình như không liên quan tới thực tế, nhất là các môn kỹ thuật thì tụt hậu thê thảm.
Hết năm nhất đại học, tôi sang Australia du học cùng ngành. Tất nhiên là chúng tôi dùng pipette nhựa, loại dùng một lần rồi bỏ đi. Các thì nghiệm tạo ra chất độc phải được làm trong khu vực có quạt hút khí chuyên dụng...
Ai cũng biết là nguyên nhân là trường đại học không được đầu tư đúng mức, kinh phí không nhiều... và hình như bao năm nay vẫn chưa được cải tiến. Vì vậy các bạn học Bách khoa của tôi ngày xưa giờ đi sản xuất sách. Thực ra các bạn ấy đều rất tài giỏi, tới nỗi có thể làm các công việc không đúng chuyên môn một cách xuất sắc. Nhưng mấy năm học đại học đấy thì dường như không có tác dụng gì.
Bậc học đại học ở Việt Nam, nhất là các ngành kỹ thuật, không mang lại được nhiều kiến thức hữu dụng cho sinh viên. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi họ bị nhà tuyển dụng chê. Thực tế vốn phũ phàng. Cho dù các trường đại học có phân bua thế nào thì các công ty kỹ thuật của thế giới, khi tới Việt Nam, vẫn không muốn thuê những kỹ sư không biết dùng các dụng cụ cơ bản, lại cũng chẳng thiết kế được gì.
Các ngành kinh tế khác hơn. Đó là vì các ngành này không phải mua những thiết bị đắt tiền, những giảng viên đi học nước ngoài về cũng có cơ hội giảng dạy mà không cần kinh phí nhiều. Một ví dụ khác là ngành công nghệ thông tin. Ngành này chỉ đòi hỏi máy tính tốt, và không cần phải sản xuất được máy tính mà có thể dùng những gì mua được để viết phần mềm.
Việc điều chỉnh giáo dục bậc đại học đòi hỏi rất nhiều đầu tư và tiền bạc, mà cụ thể là phải mua các "phần cứng". Các sinh viên ngành kĩ thuật tại các trường danh tiếng ai cũng công nhận có đầu óc nhưng ra trường vẫn bị chê.
Ở mặt khác, tôi thấy có rất nhiều người hậm hực chê bai những người đi du học về, nói rằng họ chẳng giỏi giang gì, chẳng phải là người tài, thậm chí là thi rớt đại học ở Việt Nam nên gia đình mới lo cho đi du học. Chỉ có các sinh viên được du học bằng học bổng thì may ra được công nhận là người tài, cần phải kêu gọi về nước.
Nếu chúng ta không tính tới các bạn được học bổng du học thì có lẽ những ai đi du học cũng không phải là tài năng. Cái khác là các bạn ấy học được những kiến thức hữu dụng và các kĩ năng mềm cần thiết. Cái đó cũng giống như nguyên liệu thô, chưa chắc tốt, nhưng được nhào nặn đúng cách vẫn thành sản phẩm cuối dùng được. Còn nguyên liệu thô có tốt cách mấy nhưng nhào nặn sai bét thì cũng chả thành sản phẩm, đừng nói là dùng được hay không.
Giáo dục đại học là một vấn đề quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển kinh tế nhưng cũng là vấn đề khó khăn nhất khi cải cách giáo dục. Việc các trường đại học có nghiên cứu khoa học hay không cũng chưa quan trọng bằng việc các trường có đủ dụng cụ máy móc và các giảng viên có kiến thức để giúp các sinh viên học được những điều mà nhà tuyển dụng ngày nay đòi hỏi hay không. Nói nôm na là các trường đại học nên tập trung lo tập đi trước khi tập chạy.
Trở lại câu chuyện học đại học bách khoa của tôi. Các môn Toán đó tôi đều không dùng đến. 4 năm ở Australia, tôi chưa từng phải học các kiến thức Toán cao siêu cỡ đó. Ra trường làm kĩ sư hóa tại Mỹ cho một công ty hóa chất hàng đầu cũng chả cần mấy kiến thức Toán đó.
Cho đến ngày, một người trong gia đình tôi học thạc sĩ ngành phân tích hệ thống (tương tự Toán ứng dụng) thì tôi lại giảng giải môn Toán cho cô ấy nghe (cô ấy trước giờ sống tại Mỹ), dựa vào kiến thức Toán tôi học được ở năm nhất trường bách khoa.
Ai bảo là trường đại học Việt Nam kém cỏi? Thật ra thì họ không kém, chỉ có điều là họ dạy những điều cao siêu không cần thiết, còn những thứ cần thì hình như chả có gì cả.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.