Từ phát biểu "mất bằng lái xe phải thi lại" đến đề xuất thí điểm cấm xe máy một trong hai tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi, ta thấy ngành giao thông đang toát mồ hôi đi tìm các giải pháp mới để giải quyết vấn nạn khiến mỗi năm cả gần chục ngàn người bỏ mạng.
Một câu hỏi đặt ra là: Có nhất thiết phải tìm giải pháp mới trong khi hàng loạt biện pháp đã có nhưng chưa được thực hiện triệt để?
Xin bắt đầu quan sát từ một ngã tư ở Hà Nội: ngã tư Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết - Nguyễn Hoàng cạnh bến xe Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Ngã tư này có mặt mọi thành phần tham gia và điều tiết giao thông. Lực lượng duy trì trật tự giao thông, gồm cảnh sát giao thông, công an, bảo vệ bến xe thường có mặt, nhưng lúc nào cũng như ong vỡ tổ (thực ra ong "vỡ tổ" vẫn bay trong trật tự của loài ong), nhất là vào giờ cao điểm.
>> Cục 'bê tông ý thức' giao thông
Tôi thấy có quá nhiều người vi phạm luật giao thông nhưng không bị ngăn chặn và xử lý. Không chỉ xe máy, ôtô cũng vượt đèn đỏ. Xe dừng đèn đỏ thì luôn chiếm hết làn của người đi bộ.
Tại đây còn có đội quân xe ôm rất đông, lực lượng này thường xuyên chiếm lề đường, chạy ẩu. Ôtô taxi bắt khách đỗ tràn mặt bến xe, lấn hết cả vỉa hè, đỗ cả nơi cắm biển cấm đỗ.
Mặc dù có hầm nhưng rất nhiều người đi bộ không sử dụng, vẫn ngang nhiên băng đường Phạm Hùng, chen lẫn với các phương tiện khác. Người đi xe khách không vào bến mà đứng chờ bắt xe tràn ngoài đường. Quy định bắt buộc xe khách tuyến đường dài ra khỏi bến phải chạy luôn nhưng hầu hết đều đi chậm.
>> Kẹt xe trầm trọng vì vi phạm giao thông không bị trừng phạt
Tuy nhiên, lực lượng chức năng hầu như không thể xử phạt hết các trường hợp vi phạm. Thỉnh thoảng có xe gắn loa yêu cầu dẹp bán hàng rong và thổi còi nhắc nhở xe khách chạy lòng vòng đón khách. Những việc làm đó không đủ xử lý tắc đường. Mỗi bên đường đều chia ba làn nhưng các phương tiện đều không đi theo làn, cứ chen nhau mà nhích. Ngày nào cũng như ngày nào. Nhếch nhác, bệ rạc mặc dù đây là khu vực khá mới, hiện đại của Hà Nội.
Sự vận động náo nhiệt, chóng mặt và nhốn nháo ở ngã tư này điển hình cho một xã hội thu nhỏ. Ở đó mọi cơ chế, chính sách, luật pháp và điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng đầy đủ. Bộ máy để thực thi cơ chế, luật pháp cũng đã bố trí đủ, các công dân cũng có đủ nhận thức về chấp hành luật pháp. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm lại không kịp thời đúng mức.
>> Giao thông Việt không có làn đường xe máy tiêu chuẩn
Hành vi vi phạm luật pháp diễn ra hàng ngày, liên tục, trong một không gian hẹp, đậm đặc nhưng không bị phạt nghiêm minh, khiến cho giao thông trở nên ngột ngạt, bức xúc.
Mỗi ngày trôi qua những vấn nạn này không được giải toả (mà thực tế có đủ mọi điều kiện để giải quyết), làm cho cuộc sống bị trì trệ, gây lãng phí nhiều thứ và tốn kém.
Từ một ngã tư, nói rộng ra các vấn đề của giao thông nói chung (cũng như nhiều lĩnh vực khác). Trước sự phát triển chung, ngành giao thông chắc chắn phải luôn có các giải pháp mới để tháo gỡ. Nhưng trước khi tìm ra cái mới, hãy bắt tay làm một cách triệt để từ chính những quy định vốn đã có hiệu lực từ lâu mà do chủ quan không được thực thi một cách nghiêm túc.
Trước khi đổ lỗi cho khách quan, hãy bắt lỗi của chính mình. Một tháng để lập lại trật tự ngã tư Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết, liệu có làm được không?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.