Chúng ta thử xem xét vấn đề cấm xe máy dưới góc độ xã hội. Bởi với mỗi cá nhân, nói đến cấm xe máy thì khá đơn giản, cứ làm rồi sẽ được, song việc thực thi như thế nào mới là vấn đề phức tạp.
Đầu tiên là vấn đề giải quyết hàng chục triệu chiếc xe máy sở hữu của người dân. Một khi cấm xe máy, phải có giải pháp xử lý số xe này. Xe máy đóng góp vào hoạt động kinh tế không hề nhỏ, nó có mặt khắp mọi hình thức kinh doanh dịch vụ. Nếu cấm, các hoạt động kinh tế đô thị có thể bị ảnh hưởng trong một thời gian.
Rất nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ có dùng đến xe máy như một phần công đoạn trong quá trình hoạt động. Giờ bị cấm, chi phí vận chuyển, phục vụ buộc phải tăng bởi các phương tiện khác không thể rẻ như xe máy. Ví dụ như hàng hóa ở các chợ truyền thống.
>> Kẹt xe trầm trọng vì vi phạm giao thông không bị trừng phạt
Trong một khoảng thời gian sau khi xe máy bị cấm, mặt bằng giá chung chắc chắn tăng. Sau đó có giảm đi hay không thì chưa rõ, cũng có thể không thể giảm xuống, bởi chi phí vận chuyển và phục vụ đã tăng hơn rồi. Mức tác động vào mặt bằng giá này cần phải có cơ quan quản lý tính toán.
Phát triển hệ thống giao thông công cộng như thế nào là vấn đề tiếp theo. Nếu chờ sau khi cấm mới làm, thì e là có quá trễ? Còn triển khai dần đến khi cấm xe máy, thì lại rơi vào vòng luẩn quẩn khi mà không còn đất để phát triển giao thông công cộng nữa với số lượng xe máy hiện nay. Đây có lẽ là một trong những bài toán khó nhất. Nó bao gồm cả khả năng phát triển thực tế, chẳng hạn như có một tuyến metro ngắn mà TP HCM làm hơn chục năm còn chưa xong.
Vấn đề kế tiếp là quy hoạch đô thị như hầu hết mọi người thường nhắc đến. Giải quyết hài hòa giữa quy hoạch cũ và việc di chuyển không dùng xe máy cũng là bài toán khó cho quản lý nhà nước. Trong đó, phải tính đến nhiều yếu tố khác như triều cường, tình trạng ngập úng đô thị, tình trạng tập trung cao ốc trung tâm, kinh doanh nhỏ lẻ.
Với cách người dân chúng ta sử dụng xe máy đa phần thiếu ý thức, chủ yếu để được việc của mình mà bỏ qua lợi ích chung thì khi chuyển sang phương tiện công cộng hay ôtô, hẳn cũng khó mà khắc phục.
Ví dụ, chen lấn khi lên xe buýt (lúc này chỉ còn xe buýt là chủ yếu thì cảnh chen lấn chắc chắn xảy ra), điều khiển ôtô thiếu ý thức (nguy hiểm hơn là lái ôtô theo tư duy xe máy).
Chúng ta đã không thể làm tốt việc này đối với người đi xe máy, thì rõ ràng đây cũng là bài toán khó khi dùng phương tiện công cộng.
Có chính sách quản lý vấn đề dư thừa lao động và xáo trộn kinh tế đối với một bộ phận không nhỏ người dân có liên quan trực tiếp đến xe máy như phương tiện sinh nhai. Vì khi cấm xe, nhà nước không thể bỏ mặc đối tượng này. Với các ý kiến trên diễn đàn trước đây, việc này sẽ rất đơn giản vì những đối tượng này dĩ nhiên phải tự xoay xở thay đổi cho phù hợp, song dưới góc độ quản lý nhà nước, câu trả lời không đơn giản như vậy vì ảnh hưởng đến kinh tế xã hội.
>> Giao thông Việt không có làn đường xe máy tiêu chuẩn
Phải xây dựng lại và thi hành luật lệ nghiêm minh. Tình trạng xe máy chạy loạn xạ hiện nay có nguyên do từ việc vi phạm giao thông không bị xử lý thích đáng.
Cuối cùng, rõ ràng nhà chức trách phải phân tích xem xét rất kỹ vấn đề cấm xe này, nó dĩ nhiên không đơn giản như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm, bởi với người dân đội hay không cũng không phải vấn đề quá quan trọng. Song với xe máy thì khác, nó liên quan đến cuộc sống sinh nhai hàng ngày.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.