Ngành công nghiệp tái chế rác thải này trị giá 280 tỷ đôla. Bạn có thật sự biết được loại vật liệu nào bỏ vào thùng rác tái chế không? Đối với các chủ vựa ve chai, nếu một sản phẩm có thể được làm sạch, được phân loại và được bán, đó là rác có thể tái chế (Recyclable).
Vấn đề phân loại và tái chế rác chỉ mới được các nước phương Tây để ý vào đầu những năm 2000. Những quảng cáo trên TV thời đó làm cho mọi người xem cảm giác như là phạm tội nếu quăng một tờ báo vào thùng rác bình thường. Các loại rác tái chế sẽ được mang tới nhà máy xử lý, hay gọi là Material Recovery Facilites (MRFs), đây là nơi rác sẽ được phân loại, đóng thùng và bán cho những người mua khắp nơi trên thế giới.
Chắc ai cũng biết được người mua nhiều nhất là ai? Câu trả lời là Trung Quốc. Lý do họ mua 70% rác nhựa tái chế của thế giới là gì? Năm 2001 khi Trung Quốc tham gia vào WTO, có rất nhiều các cuộc trao đổi thương mại hàng hóa từ Trung Quốc đi khắp nơi trên thế giới. Vấn đề là khi đó, các tàu chở container đi từ Trung Quốc qua các quốc gia khác như Mỹ thì đầy thùng nhưng về thì rỗng ruột, việc mua những loại rác tái chế đó sẽ tiện cả đôi đường. Vừa có thể giảm được chi phí về mà có thể mang được cả những loại rác có thể tái chế để làm nguyên liệu cho sản xuất. Việc mang rác tái chế trong các thùng container ấy giảm chi phí đến nỗi nó rẻ hơn mang từ Los Angeles tới Trung Quốc thay vì mang qua Arizona cách đó khoảng 700-1.000 km.
>> 'Bảo vệ môi trường sao còn để học sinh bọc vở bằng bìa nilon?'
Ví dụ dễ dàng nhất trong việc tái chế rác qua sử dụng của Trung Quốc là việc họ không có nhiều gỗ mềm để sản xuất giấy báo, nên những tờ báo của Mỹ đang đọc có thể được bán cho Trung Quốc để in và đọc 6 tuần sau đó. Không chỉ có giấy báo, ngay cả nhựa, bìa các tông, mà cả sắt cũng được nhập ngược về Trung Quốc và phân loại với chi phí nhân công rẻ hơn rất nhiều. Nhờ vào những điều trên, các nước phương Tây cảm thấy không cần thiết để xây dựng số lượng lớn các MRF.
Chỉ riêng trong năm 2016, nước Mỹ đã gửi 700,000 tấn nhựa qua Trung Quốc. Vấn đề sẽ chẳng có gì nếu vào cùng năm đó, một đạo diễn Trung Quốc tên Jiu-Liang Wang đã làm bộ phim tài liệu có nhan đề "Plastic China", nói về mặt tối của việc làm thùng rác cho cả thế giới. Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ phim nhận được rất nhiều sự chú ý trong và cả ngoài nước, nhưng bị Bắc Kinh cấm chiếu và mặc định đó là bộ phim bất hợp pháp. Tháng 9/2017, Trung Quốc thông báo với WTO rằng họ sẽ giảm/chậm lại việc nhập khẩu các loại rác thải cùng với 4 loại đặc trưng trong đó bao gồm, bông (cotton), giấy thải (Waste paper), nhựa (plastic). Trung Quốc gọi chiến dịch này là "Thanh kiếm quốc gia" (Operation National Sword). Một mặt là để phát triển khả năng tự lực tái chế rác trong nước, để cải thiện đời sống và môi trường cho người dân của họ, mặt khác là cải thiện hình ảnh của chính mình sau bộ phim "Plastic China".
>> Cùng tác giả: 'Xây đường sắt cao tốc 58 tỷ USD cũng như nhà nghèo mua xe sang'
Cũng cùng thời điểm này, Trung Quốc đã tạo ra đủ một tầng lớp trung lưu để có thể tự lực tạo nên nguồn rác thải có thể tái chế mà không cần phải mua và phân loại rác dùm cho thế giới nữa. Cả thế giới bị khủng khoảng trầm trọng chỉ sau một đêm do sự ngưng việc nhập khẩu rác tái chế từ Trung Quốc.
Ở đỉnh điểm, các MRF có thể bán nhựa với giá 300 đôla/ tấn, chỉ sau vài tháng, giá giảm xuống còn 40 đôla/ tấn. Lý do là trước kia, khi một công ty mua vào rác tái chế, họ sẽ có đầu ra là Trung Quốc, nên họ sẵn sàng mua vào với giá cao rồi đem đi bán lại, bây giờ, chính những công ty này cũng nói rằng bỏ hết rác vào một thùng sẽ rẻ hơn là bỏ vào từng thùng. Các bạn đừng nghĩ rằng các công ty Mỹ quan tâm tới môi trường, họ chỉ quan tâm tới số tiền họ có thể thu được mà thôi.
>> Không dùng ly, ống hút nhựa - ý nghĩa hay chạy theo phong trào?
Trung Quốc thắt chặt các chỉ tiêu nhập rác tái chế, quan trọng nhất là độ sạch, không chấp nhận loại rác có chất lượng thấp (low-grade waste). Không những thế, có tin đồn là năm 2020 Trung Quốc sẽ ngừng hẳn việc nhập rác tái chế. Vì lý do đó mà các ngành công nghiệp dọn dẹp và làm sạch rác thải tái chế ấy trước khi gửi qua Trung Quốc mọc lên như nấm sau mưa ở Thái Lan và Malaysia, các triệu phú được tăng lên do việc tham gia vào thị trường tiềm năng này.
Cho dù vậy, các nước phương Tây cũng không biết phải làm gì với lượng rác tái chế khổng lồ vì như ngay từ đầu đã nói, họ còn chẳng buồn xây cơ sở vật chất để tái chế khi không có sự giúp đỡ của Trung Quốc. Lúc này, việc gửi rác qua các nước kém phát triển khác là lựa chọn tạm thời của họ. Đây cũng có thể là thời cơ vàng cho các tỷ phú tương lai nhảy vào khi ngành công nghiệp tái chế này được dự đoán vào năm 2024 là 376 tỷ đô. Nhưng đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời bởi chưa giải quyết được nguồn của nhựa, rác tái chế. Canada là nước đầu tiên đưa ra luật trong việc cấm sử dụng các túi ni lông dùng một lần, ống hút nhựa và sẽ có hiệu lực năm 2021.
>> Nói không với nhựa - giải pháp hay sợ hãi vô căn cứ?
Nhiều lần về Việt Nam, tôi thấy mấy bác ở chợ có khi còn có ý thức hơn nhân viên siêu thị trong việc dùng lá chuối cuốn hay rau để bện lại thành từng bó thay vì dùng bao ni lông và dây thun. Xử lý từ gốc phải là từ những nhà sản xuất các loại nhựa ấy, họ phải cùng Chính phủ nghĩ ra cách tái chế trước rồi hãy sản xuất cùng với số lượng cho phép, chứ không thể để sự tràn lan sản xuất vượt qua khả năng tái chế của MRF ở đất nước đó được.
Vì quá tải nên khi Trung Quốc không còn là cái "thùng rác" của thế giới nữa thì rác sẽ chuyển qua các nước kém phát triển khác. Nhưng các nước đó cũng chỉ nhập được một số lượng nhất định, phần còn lại chúng ta mang ra biển đổ. Nó giống như một vòng tuần hoàn khép kín.
Năng lực xử lý rác và rác tái chế là một điều không bao giờ thay đổi. Cho dù đất nước có hiện đại thế nào, có nhiều dân đến đâu nhưng rác sẽ không bao giờ ngừng thải ra. Công ty xử lý rác thải ở California (Mỹ) hiện tại thuộc về một "tỷ phú rác" người Việt. Rác không hẳn chỉ là rác, mà nó có thể thành vàng nếu chúng ta biết cách sử dụng và tái tạo nó. Hãy hiểu những gì mình đang mua và cầm trong tay, bạn sẽ trở nên thông mình hơn rất nhiều khi bạn biết điều đó!
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.