Tôi tự hỏi vì sao công nhân vệ sinh không tự phân loại rác? Rác của chúng ta có loại vô cơ và hữu cơ. Điều này khác hẳn so với rác của các nước Tây khi ở họ gần như không có rác hữu cơ do người nước ngoài rất ít khi ăn thực phẩm tươi sống. Việc chủ yếu ăn thực phẩm làm sẵn và thực phẩm công nghiệp khiến rác thải ở phương Tây nói chung chỉ là các loại bao bì hộp đựng thực phẩm.
Phân loại rác có thể mất thêm thời gian của công nhân vệ sinh nhưng vấn đề là dù có phân loại rác đầy đủ thì liệu chúng ta có xử lý được hay không? Xử lý rác vô cơ luôn có máy móc nhập ngoại nhưng xử lý rác hữu cơ thì nước ta không có các loại máy móc ấy. Chôn lấp hay đốt bỏ thì chi phí ấy ai sẽ là người gánh chịu?
Ở nhà tôi luôn phân loại rác đâu ra đó nhưng công nhân vệ sinh vẫn đổ chung chúng lại với nhau cho dễ vận chuyển thì đâu còn ý nghĩa. Điều đó chứng tỏ Việt Nam không có công nghệ xử lý rác thải. Cái gì có thể tái chế (ve chai, nhôm, nhựa...) thì đã được công nhân vệ sinh tự giác phân loại ra. Đống bùng nhùng còn lại họ đem đổ cả vào bãi rác.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Tư duy VFF quyết định sự phát triển của bóng đá Việt Nam
>> 'Công Phượng sang châu Âu là đi ngược quy luật thế giới'
>> 'Nhiều khán giả Việt dễ dãi vì lười suy nghĩ, không biết cách phê bình'
Như vậy, có vẻ như vấn đề không nằm ở chỗ người dân. Vấn đề của người dân là nạn xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định. Còn vấn đề của Nhà nước mới là những bãi rác chung của thành phố. Những điểm này nếu không được xử lý, sẽ gây ra ách tắc khắp nơi (nơi nào cũng quá tải). Khi đầu ra là những bãi rác lớn không thông thì đầu vào là rác của các hộ gia đình chắc chắn sẽ bị chặn lại.
Vậy quy trình xử lý rác thải ở thành phố như thế nào? Công suất xử lý bao nhiêu tấn một ngày? Có đáp ứng được nhu cầu hiện tại của người dân chưa? Nếu chưa thì thành phố sẽ có kế hoạch gì để xử lý? Sử dụng công nghệ xử lý rác thải thế nào? Chi phí (từ đó tính ra thuế môi trường áp lên phí vệ sinh cho các hộ gia đình) là bao nhiêu? Nếu thành phố trả lời hết được những thắc mắc đó của người dân, có lẽ sẽ không còn cảnh người người chặn xe vào bãi rác như thời gian qua.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.