Dù muốn hay không, chúng ta đều phải công nhận vai trò quan trọng của nhựa. Kể từ khi nhà hóa học người Mỹ, Leo Hendrick Baekeland, phát minh ra nhựa năm 1907, thì vật liệu này đã trở người bạn đồng hành không thể thiếu của con người.
Giữa lúc cả thế giới đang sôi sục phong trào không dùng đồ nhựa mà lại đi bảo vệ cho ly, chai nhựa thì quả là không hợp thời. Nhưng nếu chỉ chạy theo phong trào mà không minh oan cho "vật liệu" nhựa thì không công bằng.
Để kiểm chứng tầm quan trọng của nhựa, bạn thử hình dung một ngày mới của bạn bắt đầu khi còn ngái ngủ là kiểm tra đồng hồ, lúc đó bạn đã nhìn thấy nhựa; ra khỏi giường, bước tới công tắc điện bạn lại đụng phải nhựa; vào phòng tắm, từ bàn chải đánh răng, hộp đựng thuốc đánh răng, chai đựng dầu gội đầu cũng đều bằng nhựa.... Liệu bạn có thấy bực mình vì cái gì cũng bằng nhựa? Đi nấu cơm cũng lại gặp nhựa, lấy túi đi làm cũng lại nhựa.... Liệu bạn có thầm cầu trời cho tất cả nhựa biến mất khỏi trái đất?
Và nếu như mong ước của bạn thành sự thật, khi đó không ai đi làm được vì các phương tiện giao thông đều không thể hoạt động mà không có nhựa. Với quyết tâm không sống chung với nhựa, bạn chạy bộ tới cơ quan nhưng thang máy không hoạt động vì thiếu nhựa. Không chịu thua, bạn đi thang bộ lên lầu 9 (cũng may cơ quan tôi chỉ ở tầng 9, chỉ thương cho mấy nhà hàng ở Landmark hay Bitexco chắc không phải ai cũng đủ sức leo thang bộ lên nổi), nhưng đến nơi bạn mới hốt hoảng vì hệ thống máy tính không hoạt động do không có nhựa. Máy tính không hoạt động thì đào đâu thông tin, dữ liệu mà làm việc, vậy là bạn phải đầu hàng và ước gì mọi thứ trở lại như cũ.
>> Không dùng ly, ống hút nhựa - ý nghĩa hay chạy theo phong trào?
Các bạn sẽ thấy là con người không thể nói "không" với nhựa. Nhưng không có nghĩa là con người phải thỏa hiệp với "chất thải nhựa". Bên cạnh vai trò lịch sử, nhựa còn là "một tội đồ" không thể tha thứ. Tổng lượng nhựa trên trái đất hiện nay khoảng 8,5 tỷ tấn và tăng thêm khoảng 300 triệu tấn mỗi năm. Chẳng bao lâu nữa không chỉ sinh vật biển mà cả sinh vật trên cạn, trong đó có con người cũng trở thành nạn nhân của rác thải nhựa, bởi chỉ khoảng 10% trong số chúng được tái chế và sử dụng lại mà thôi.
Tóm lại, nhựa là một vật liệu không thể thiếu, con người hiện đại không thể tồn tại mà không có nhựa, nhưng nhựa cũng là mối họa của loài người. Tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng đồ dùng bằng nhựa có vẻ như là một giải pháp tình thế hơn là một biện pháp căn cơ. Cái mà chúng ta cần hướng tới là làm sao phải có các biện pháp xử lý rác, vì có nhiều thứ trong đời sống mà không sử dụng vật liệu nhựa thì không được, và các chi tiết đó khi dùng xong cũng trở thành "rác thải nhựa" và cũng nguy hiểm không kém gì ly, chai nhựa.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.