Ngoài các thuốc đặc trị Covid-19, các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương mang theo 14 loại trang thiết bị y tế cần thiết trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân nặng. Theo kế hoạch, đoàn sẽ lưu lại Bạc Liêu, trực tiếp tham gia điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cùng tổ công tác đặc biệt của bệnh viện này cũng đang hỗ trợ Bạc Liêu chống dịch. Các bác sĩ đã khảo sát, làm việc với lãnh đạo tỉnh và đồng nghiệp tại bệnh viện đa khoa, đề xuất các phương án hỗ trợ phòng chống dịch. Từ hôm 27/10, bác sĩ Huỳnh Quang Đại, Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (đang phụ trách khoa 2B của Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM) cùng điều dưỡng Trần Đoàn Thanh Trúc đã đến Bạc Liêu hỗ trợ trước.
"Tình hình dịch tại Bạc Liêu đang rất phức tạp, nguy cơ đối diện đợt dịch lớn", bác sĩ Thức nhận định. Những ngày gần đây Bạc Liêu ghi nhận khoảng 400 ca Covid-19 mỗi ngày, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ 4 lên hơn 3.500.
Sau khi xin ý kiến khẩn cấp từ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia sẻ 30.000 liều vaccine AstraZeneca và 12.000 liều vaccine Pfizer, Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ 5.000 liều AstraZenca cho tỉnh Bạc Liêu. Nhiều doanh nghiệp từ TP HCM đã hỗ trợ tỉnh này máy thở, xe tiêm chủng lưu động, trạm chiết nạp oxy, máy xét nghiệm PCR, trang thiết bị máy móc điều trị Covid-19...
Thời gian qua, các y bác sĩ từ TP HCM tiếp nối nhau lên đường chi viện các tỉnh khác đang bùng phát dịch. Hôm 30/10, bác sĩ Thức cùng đoàn công tác Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến Đăk Lăk tư vấn các phương án chống dịch. Bệnh viện đã tặng Đăk Lăk 20 máy thở chức năng cao HFNC và 600 khẩu trang y tế N95 cùng đồ phòng hộ.
Bác sĩ Trần Thanh Linh (Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19) tham gia khảo sát tình hình dịch bệnh, hỗ trợ điều trị tại tỉnh Đăk Lăk một tuần qua. Bác sĩ Linh đã đề xuất tỉnh nâng cấp độ dịch, khi phân tầng điều trị cần tăng số lượng giường ở tầng 2 và tầng 3. Bên cạnh tăng tốc tiêm vaccine cho người dân, Đăk Lăk cần có phương án khoanh vùng sớm F0 để tránh lây lan virus trong cộng đồng.
Theo bác sĩ Linh, chi viện các tỉnh chống dịch cũng là cách để bảo vệ thành quả TP HCM đã làm được trong thời gian qua. Khi TP HCM trở lại hoạt động bình thường, công nhân, người lao động từ các tỉnh thành cũng quay trở lại xí nghiệp, công ty, doanh nghiệp tại thành phố làm việc. Kiểm soát được dịch từ các tỉnh lân cận, người lao động được tiêm vaccine phòng Covid-19 mới có thể yên tâm quay lại TP HCM, giảm tối đa nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.
Trước đó, hai đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy do bác sĩ Linh và bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (Khoa Bệnh Nhiệt đới TP HCM) dẫn đầu, ngày 15/10 đã chi viện tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngày 22/10, thêm một đoàn do bác sĩ Phạm Thanh Việt (Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp) làm trưởng đoàn đến Cà Mau.
Giữa tháng 10, đoàn Bệnh viện Thống Nhất cũng chi viện tỉnh Ninh Thuận. Tiếp đó, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cũng đến Sóc Trăng; Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương chi viện An Giang.
Ước tính khoảng 100 y bác sĩ TP HCM đến các điểm nóng bùng dịch chi viện, tính từ giữa tháng 10 đến nay.
Nhiều tỉnh thành phía Nam, Tây Nguyên hiện ghi nhận thêm các ổ dịch với số ca nhiễm mới tăng cao. Trong khi đó, tình hình tại TP HCM đã giảm nhiệt sau hơn 5 tháng chống dịch, bước vào giai đoạn mở cửa, thích ứng mới.