"Hạn chế đầu tiên là công tác dự báo chưa theo kịp diễn tiến thực tế của dịch bệnh", Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của ngành y tế thành phố, chiều 30/10. Theo đó, biến chủng Delta đã được ghi nhận, cảnh báo tại nơi khác trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia nhưng quá trình phát hiện, dự báo tại TP HCM vẫn chưa theo kịp tốc độ lây lan để có những phương án thực tế đối phó dịch bệnh.
Theo bác sĩ Châu, một hạn chế lớn của ngành y tế TP HCM là vấn đề xét nghiệm. Thời điểm đầu dịch, kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR là phương pháp chủ yếu để phát hiện, bóc tách F0, ngăn chặn sự lây lan. Tuy nhiên, kỹ thuật này cần thời gian, năng lực xét nghiệm cũng chưa tương xứng với tốc độ lây lan quá nhanh của chủng Delta, làm số lượng ca nhiễm tăng nhanh, dịch lan sâu vào trong cộng đồng.
"Có thời điểm thành phố lấy mẫu rất nhiều nhưng kết quả trả về khá trễ, làm mất đi ý nghĩa của việc tách F0 khỏi cộng đồng để giảm sự lây lan", bác sĩ Châu chia sẻ.
Chiến dịch tiêm vaccine với quy mô chưa từng có cũng tồn tại nhiều thiếu sót. Theo bác sĩ Châu, việc triển khai tiêm chủng trong thời gian ngắn, huy động đội ngũ từ nhiều nơi nhưng không đồng đều trong khả năng của các đội tiêm. Bên cạnh đó, công tác nhập số liệu chưa đảm bảo, việc tuân thủ giãn cách ở người đến tiêm chưa tốt.
Trong chiến lược điều trị của thành phố, việc cách ly tập trung toàn bộ F0 ở giai đoạn đầu đã gây quá tải. Trước tháng 7, Bộ Y tế TP HCM chủ trương tất cả F0 đều cách ly tập trung. Tuy nhiên, khi số F0 tăng quá nhanh, thành phố liên tiếp mở hàng loạt bệnh viện dã chiến nhưng không đáp ứng kịp. "Số lượng quá nhiều thì khả năng chăm sóc, phục vụ của nhân viên y tế cũng quá tải. Từ đó xảy ra tình trạng nhiều F0 không được chăm sóc đầy đủ, toàn diện, không phát hiện chuyển viện kịp thời lên tuyến trên", theo bác sĩ Châu.
Đến khi F0 được cách ly, điều trị tại nhà kể từ cuối tháng 7, ngành y tế TP HCM bắt đầu bộc lộ những hạn chế từ năng lực y tế cơ sở, không đáp ứng nhu cầu số F0 tăng nhanh. Nhiều F0 tại nhà cũng không được chăm sóc đầy đủ. Hệ thống y tế và dự phòng chưa được đầu tư đúng mức khiến F0 quá tải và tăng nguy cơ tử vong.
Một điểm yếu khác trong công tác chống dịch của TP HCM là việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả, các phần mềm gặp nhiều trục trặc, từ phần mềm khai báo y tế đến tiêm chủng vaccine..., các ứng dụng chưa kết nối hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, Covid-19 là đại dịch mới, chưa có tiền lệ trên thế giới lẫn Việt Nam, chủng Delta lây lan nhanh, nên chưa ứng xử kịp thời. TP HCM là nơi có dân số lớn, nhiều khu dân cư đông đúc, chật chội, khiến dịch lây nhanh nhanh trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, hệ thống y tế cũng chưa dự báo đầy đủ và tổ chức diễn tập chống đại dịch trước đây. Hệ thống y tế cơ sở, y tế công cộng chưa được đầu tư đúng mức, chưa có chính sách thu hút hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch. Ứng dụng công nghệ thông trong công tác phòng chống dịch còn manh mún, chưa khoa học và chưa đồng bộ.
Những hạn chế trên đã góp phần khiến TP HCM bước vào những tháng ngày chống chọi đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 427.000 ca nhiễm được Bộ Y tế công bố, từ ngày 27/4 đến nay. Trong tháng 5, dịch ở thành phố chỉ ở cấp độ 1, sang tháng 6 lên cấp độ 2, tháng 7 tăng cấp độ 3 và tháng 8 là cấp độ 4. Đỉnh dịch tại thành phố kéo dài hai tháng, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9.
Thành phố từng bước khắc phục các điểm yếu, điều chỉnh chiến lược để kiểm soát dịch. Sau 4 giai đoạn giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ, tương ứng các giai đoạn dịch bệnh xảy ra, thành phố đã bước vào "bình thường mới" từ ngày 1/10, số ca mắc và tử vong giảm rõ rệt.
Ngành y tế đã huy động hàng nghìn đội lấy mẫu, nâng công suất xét nghiệm, triển khai 7 đợt xét nghiệm diện rộng; thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 quy mô lớn; thu dung điều trị F0, mở rộng từ 5 bệnh viện ban đầu lên 95 bệnh viện điều trị Covid-19; phát túi thuốc, lập các đội phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà; tăng cường cấp cứu và vận chuyển cấp cứu.
Theo bác sĩ Châu, trong các giải pháp chống dịch, TP HCM đã triển khai sử dụng hiệu quả 9 mô hình, bao gồm tháp 3 tầng điều trị Covid-19 (dựa vào phân mức độ nặng của bệnh nhân); chăm sóc F0 tại nhà; trạm y tế lưu động; tư vấn F0 từ xa qua tổng đài "1022"; hoán cải xe vận chuyển hành khách, xe taxi thành xe vận chuyển người bệnh; chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng; "bệnh viện chị em" (các trung tâm hồi sức tuyến cuối được giao nhiệm vụ đào tạo, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới); bệnh viện dã chiến 3 tầng; mô hình "H.O.P.E" chăm sóc trẻ em là con của sản phụ Covid-19.
Từ thực tế chống dịch của TP HCM, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM nêu ra 10 bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất, huy động cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ thực hiện hiệu quả chiến lược "mỗi phường, xã, thị trấn là pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ ", trong đó ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện và phường, xã, thị trấn đóng vai trò quyết định.
Thứ hai, việc xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo dịch, xây dựng các tình huống và kịch bản diễn tập tương ứng từng cấp độ dịch là rất cần thiết và mang ý nghĩa quyết định cho sự chủ động khi ứng phó với dịch bệnh. Cần kịp thời phát hiện các địa bàn có nguy cơ chuyển sang cấp độ dịch cao hơn để chủ động có giải pháp can thiệp. Triển khai xét nghiệm theo hướng trọng tâm, trọng điểm và phải triển khai thần tốc để tách F0 trong ổ dịch, phối hợp linh hoạt giữa PCR và xét nghiệm nhanh, từ đó dập dịch nhanh chóng.
Thứ ba, việc cách ly F0 để ngăn chặn lây lan là cần thiết nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung, chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà, hoặc người có nguy cơ diễn tiến nặng. Nhiều khu cách ly tập trung với quy mô nhỏ gắn liền với địa bàn phường, xã thì tốt hơn là cách ly tập trung với quy mô lớn cấp quận, huyện hay thành phố. Dù cách ly tại nhà hay cách ly tập trung, cách ly phải gắn liền với chăm sóc, điều trị và cung ứng gói thuốc, gói an sinh...
Thứ tư, phát huy chiến lược điều trị theo hai trụ cột, chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng và điều trị tại bệnh viện. Huy động mọi nguồn lực để phát huy hiệu quả mô hình trạm y tế lưu động trong chăm sóc F0 tại nhà. Củng cố hệ thống điều trị 3 tầng, triển khai mô hình "Bệnh viện dã chiến 3 tầng" nhằm chăm sóc tốt nhất cho người bệnh và hạn chế tối đa các nguy cơ khi chuyển viện.
Thứ năm, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho công tác phòng, chống dịch, bao gồm tăng cường phối hợp kết hợp, quân dân y, y tế công lập và tư nhân, Đông Tây y kết hợp, phát huy vai trò của các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức thiện nguyện. Mỗi quận, huyện phải có kế hoạch phòng, chống dịch chủ động, huy động nguồn nhân lực tại chỗ và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chi viện. Thành phố sẵn sàng hỗ trợ và chi viện nguồn nhân lực chống dịch khi các quận, huyện gặp khó khăn.
Thứ sáu, phát huy sự phối hợp hiệu quả của lực lượng quân đội, công an và ngành y tế trong việc hỗ trợ cho các địa phương ngay từ đầu về bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn trật tự xã hội, tổ chức cách ly nghiêm ngặt, chăm sóc và điều trị tại nhà, tại các bệnh viện dã chiến cho F0.
Thứ bảy, củng cố và kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả y tế cơ sở, hệ thống y tế dự phòng, điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp nhằm thu hút nhân lực, nhất là cho trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Thứ tám, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm thu thập, tổng hợp và phân tích dữ liệu chính xác, kịp thời, để từ đó đánh giá cấp độ dịch thường xuyên ở từng địa bàn. Xây dựng nguồn dữ liệu tin cậy, làm cơ sở dự báo để kịp thời khống chế dịch hiệu quả. Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch, phát huy hiệu quả của công nghệ tư vấn, sàng lọc từ xa giúp tạo sự an tâm cho người bệnh và kịp thời kích hoạt hệ thống cấp cứu tại nhà khi người bệnh có dấu hiệu trở nặng.
Thứ chín, vaccine là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh, thật sự đảm bảo độ bao phủ vaccine đến từng người dân trong độ tuổi theo quy định, không chỉ dựa vào số liệu thống kê. Ưu tiên tiêm vaccine cho những đối tượng có nguy cơ cao (thai phụ, người trên 50 tuổi, có bệnh nền, béo phì...) và lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thứ mười, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng các công nghệ mới trong giám sát, dự báo dịch bệnh, chăm sóc và điều trị F0 ở các tầng.