24 giờ sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ nhân lực, thiết bị vật tư y tế, thuốc thiết yếu để điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch từ UBND tỉnh và Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, ngày 16/10, 9 bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức, cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất lên đường chi viện. Họ mang theo hai tấn thiết bị, gồm 20 máy thở không xâm lấn HFNC, 5 máy thở dòng cao, 50 máy tạo oxy cùng nhiều thuốc men, vật tư y tế.
Theo bác sĩ Lê Đình Thanh, giám đốc bệnh viện, đoàn chưa xác định ngày về mà tùy theo diễn biến dịch bệnh thực tế tại Ninh Thuận. Hai nhiệm vụ chính của các y bác sĩ là sắp xếp, lắp đặt máy móc, điều trị bệnh nhân nặng phải thở máy, ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể), lọc máu liên tục...; đồng thời giúp ngành y tế Ninh Thuận gia cố hệ thống phòng, chống dịch từ y tế cơ sở phù hợp với điều kiện, địa lý, giao thông, khí hậu.
Chiều 15/10, bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, cùng 5 đồng nghiệp của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã đến Cà Mau hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Theo kế hoạch, trong 10 ngày tới, đoàn khảo sát thực địa tại các trung tâm điều trị Covid của tỉnh; làm việc với UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh và Bệnh viện tỉnh Cà Mau về việc điều phối, phân luồng và điều trị bệnh nhân.
Nhiệm vụ của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19; tư vấn, thiết kế quy trình phân luồng, khám sàng lọc; tổ chức các lớp tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, điều trị và chăm sóc F0. Họ đi thực địa tại các bệnh viện huyện, đặc biệt là những huyện có nhiều bệnh nhân Covid-19 để khảo sát và tư vấn về việc phân khu vực cách ly điều trị, phân luồng và các vấn đề chuyên môn.
Bác sĩ Linh suốt 4 tháng qua chịu trách nhiệm giám đốc chuyên môn tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 1.000 giường của TP HCM. Đây là tuyến cao nhất điều trị Covid tại thành phố, chuyên điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Ninh Thuận và Cà Mau là hai địa phương đang có nguy cơ bùng dịch, khi nhiều ngày qua ghi nhận thêm các ca nhiễm mới. Riêng ngày 15/10, Cà Mau ghi nhận 168 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trong đợt dịch thứ 4 lên gần 1.000 ca, có 10 ca tử vong. Ninh Thuận hiện có hơn 1.100 F0, trong đó 23 ca tử vong.
Còn TP HCM sau gần nửa năm dồn lực chống dịch, hiện đã "hạ nhiệt". Thành phố đã vào giai đoạn mở cửa, dần bình thường mới từ ngày 1/10, chuyển cấp độ dịch từ cấp độ xấu nhất (vùng đỏ) xuống vùng cam. Số ca mắc Covid-19 giảm liên tục trong 14 ngày qua, cũng như giảm so với tháng 8, 9; số bệnh nhân xuất viện luôn cao hơn nhập viện; số bệnh nhân thở máy còn khoảng 500 ca (trước đây trên 1.000 ca).
Bác sĩ Thanh chia sẻ, hiện bệnh viện gặp nhiều khó khăn, nhất là nhân sự vẫn đang căng mình vận hành đồng thời nhiều bệnh viện Covid-19 với hàng nghìn bệnh nhân, đồng thời phải khám, chữa bệnh cho người bệnh không Covid-19. Mặc dù vậy, bệnh viện vẫn cử đoàn chi viện Ninh Thuận, chung tay hỗ trợ tỉnh bạn, như cả nước hỗ trợ TP HCM thời gian qua.
"Tôi hy vọng rằng các đồng nghiệp sẽ chia sẻ kinh nghiệm giúp Ninh Thuận sớm khống chế được dịch bệnh, đưa đời sống người dân về lại bình thường", bác sĩ Thanh nói.
Bệnh viện Thống Nhất và Chợ Rẫy là hai bệnh viện tuyến trung ương đặt tại TP HCM. Trong đợt dịch thứ 4, hai bệnh viện đóng vai trò chủ lực, điều phối hàng trăm nhân sự tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 các mức độ tại thành phố. Trong đó, Chợ Rẫy ngoài vận hành khu điều trị Covid-19 nội viện còn phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TP Thủ Đức, với quy mô 1.000 giường, lớn nhất thành phố. Bệnh viện Thống Nhất phụ trách bệnh viện dã chiến số 8, bệnh viện Covid-19 đa tầng Tân Bình, chi viện cho Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị Covid-19...
Thư Anh