Từ vaccine và vaccination (tiêm chủng) khởi nguồn từ tên một loại virus thủy đậu. Chính xác hơn, loại virus xuất hiện trên loài bò có tên là vaccinia. Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là tại sao công cụ miễn dịch tuyệt vời vốn được xem là "một trong những thành tựu vĩ đại nhất" trong toàn thể lịch sử y học lại lấy tên từ một loại virus tấn công loài bò?
Từ điển tiếng Anh Oxford ghi nhận người Pháp đã đặt ra thuật ngữ "vaccine" vào năm 1800 và vaccination vào 1803 mặc dù có một số từ tương tự như vaccine trong tiếng Italy, vacina trong tiếng Bồ Đào Nha và vacuna trong tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, theo một bài báo trên tạp chí y khoa Anh, thuật ngữ này đã được sử dụng như một tính từ vào năm 1799 bởi tiến sĩ - bác sĩ đa khoa người Anh Edward Jenner. Danh từ vaccination sau đó được bạn ông là Richard Dunning giới thiệu vào năm 1800.
Khi đề cập đến bất kỳ khía cạnh nào về vaccine, những công trình của Edward Jenner luôn được mang ra thảo luận. Vào cuối thế kỷ 18, Jenner đã có những bước đột phá khi quan sát những người vắt sữa bò bị nhiễm bệnh đậu bò với các biểu hiện như loạt mủ trên bàn tay và cẳng tay. Những người này lại miễn nhiễm với dịch đậu mùa thường xuyên tấn công các cư dân trong khu vực sống quanh ông. Mỗi sinh vật sẽ có những dạng virus đậu mùa khác nhau như ở người là virus variola hay ở bò là vaccinia.
Một số câu chuyện lưu truyền rằng Jenner lần đầu nghe về hiện tượng này cuối những năm 1770 từ một người vắt sữa bò. "Tôi sẽ không bao giờ bị đậu mùa vì tôi đã mắc đậu mùa ở bò. Tôi sẽ không bao giờ nếm trải cảm giác có một khuôn mặt xấu xí đầy rỗ", người này tự tin tuyên bố.
Năm 1796, Jenner tạo nên cú hích trong lịch sử y học khi tiêm cho bệnh nhân thứ mà giờ đây mọi người gọi là liều vaccine đầu tiên trên thế giới. Vaccinia vaccine là vaccine được làm từ virus đậu bò. Vào thời điểm ấy, Jenner lấy mủ từ các vết thương do đậu bò gây ra trên tay của một người vắt sữa. Sau đó, ông đưa chất dịch vào vết cắt đã thực hiện trước đó trên cánh tay của cậu bé 8 tuổi tên là James Phipps.
Sáu tuần sau, Jenner cho cậu bé tiếp xúc với bệnh đậu mùa và Phipps không hề bị nhiễm bệnh, thậm chí là 20 lần sau đó vẫn không gây ảnh hưởng. Phipps sau này lập gia đình, có hai con và còn sống đủ lâu để dự đám tang Jenner vào năm 1823. Người đầu tiên được ứng dụng phương pháp vaccine qua đời năm 65 tuổi.
Giữa năm 1796-1798, Jenner đã thu thập 23 trường hợp bị nhiễm hoặc tiêm virus đậu bò. Trong báo cáo "Điều tra về nguyên nhân và ảnh hưởng của Variolae Vaccinae - căn bệnh xuất hiện ở một số hạt miền Tây nước Anh" mà Jenner tự xuất bản năm 1798, ông đưa ra kết luận rằng "bệnh đậu bò bảo vệ con người khỏi thể thức lây nhiễm của bệnh đậu mùa". Nghiên cứu được đánh giá là bước đột phá thiết lập nên lĩnh vực miễn dịch học, liệu pháp vaccine và y tế dự phòng.
Trước khi Jenner phát triển phương pháp của mình, nhiều bác sĩ đã chủng ngừa đậu mùa bằng phương pháp biến thể. Đây là phương pháp chuyển dịch có kiểm soát mủ từ tổn thương đậu mùa đang hoạt động ở một người sang cánh tay của người khác và thường được tiêm dưới da bằng một cây kim. Điểm đặc biệt trong phương pháp mới của Jenner khi chủng ngừa bằng virus đậu bò là không chỉ mang tính hiệu quả mà còn giảm thiểu tác dụng phụ và mang tính an toàn cao hơn.
Chính vì thế, phương pháp tiêm chủng của Jenner nhanh chóng trở thành nòng cốt trong ngăn ngừa đậu mùa trên khắp thế giới. Năm 1801, Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson tuyên bố tiêm phòng đậu mùa là một trong những ưu tiên sức khỏe cộng đồng quốc gia. Vài năm sau, Tổng thống Mỹ cũng đề nghị hai nhà thám hiểm Meriwether Lewis và William Clark tiêm vaccine đậu mùa đề phòng cho chuyến thám hiểm Thái Bình Dương. Nhờ chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn của Tổ chức Y tế thế giới, căn bệnh đã bị xóa sổ khỏi hành tinh vào năm 1980.
Năm 1885, tức gần một thế kỷ sau kỹ thuật phát triển bởi Jenner, nhà sinh học Louis Pasteur tại Paris (Pháp) đã thử nghiệm thứ mà ông gọi là vaccine phòng bệnh dại. Thời đó, "vaccine" hay "vaccination" thường chỉ được hiểu là tiêm virus đậu bò vào người để phòng bệnh đậu mùa. Trên thực tế, Pasteur đã thật sự sản xuất ra loại thuốc kháng độc tố chống bệnh dại dùng như thuốc giải độc khi ai đó mắc bệnh dại. Tuy nhiên, ông đã dùng từ "vaccine" để kéo dài ý nghĩa ra khỏi phạm vi một từ Latin có kết hợp với virus đậu bò.
Từ đó, với những thành tựu và ảnh hưởng toàn cầu trong các công trình vĩ đại của mình, Pasteur đã đưa đến sự mở rộng khái niệm vaccine khỏi nguyên bản. Vaccine từ đó trở thành tên chung của một loạt danh sách các loại thuốc có chứa chất độc sống, giảm độc lực, vi khuẩn hoặc virus đã bị giết thường được tiêm vào cơ thể người để tạo ra khả năng miễn dịch chống lại các loại bệnh truyền nhiễm.
Trương Sanh (theo Sciene Friday)