Chiều 10/7, thẩm phán Phạm Lương Toản - chủ tọa phiên tòa xét xử ông Trần Phương Bình (nguyên Chủ tịch HĐTD, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á - DongABank) và các đồng phạm cho biết, quá trình nghị án HĐXX nhận được tập tài liệu bổ sung từ luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ bị cáo Nguyễn Đức Tài, nguyên Giám đốc Sở giao dịch DAB) liên quan đến 10 hợp đồng tín chấp của Công ty Đồng Tiến cho DAB.
"Đây là tài liệu mới không có trong hồ sơ mà cơ quan điều tra chuyển cho VKS và tòa trước đó. Do đó, HĐXX đã chuyển tài liệu này cho đại diện VKS nghiên cứu và cần thiết phải quay lại phần xét hỏi", chủ toạ thông báo.
Trình bày về nội dung liên quan đến các hợp đồng mới gửi cho tòa, luật sư Lưu Văn Tám cho biết, 3 tập tài liệu này do một cán bộ của DAB cung cấp, sau khi HĐXX nghị án. Tài liệu thể hiện Công ty Đồng Tiến có 10 hợp đồng tín chấp trị giá 230 tỷ đồng với DAB. Phía ngân hàng đã yêu cầu Công ty Đồng Tiến bổ sung tài sản thế chấp trị giá hơn 285 tỷ đồng. Các bên sau đó đã thỏa thuận khắc phục bổ sung tài sản thế chấp và hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, 3 năm sau cơ quan điều tra lại khởi tố vụ án dù các bên đã thỏa thuận xong.
Do đó, luật sư Tám cho rằng, việc truy tố Nguyễn Đức Tài và các bị cáo khác liên quan 10 hợp đồng tín chấp này là chưa đúng pháp luật, đề nghị tòa xem xét loại trừ trách nhiệm hình sự của các bị cáo.
Trả lời HĐXX, đại diện DAB cho biết, mới nghe nói về tập tài liệu, chưa được tiếp cận nên không biết nội dung cũng như ai là người cung cấp. Do đó, DAB đề nghị được nghiên cứu tài liệu và làm việc với người cung cấp.
Nêu quan điểm, đại diện VKS cho rằng, những tài liệu này không làm thay đổi bản chất vụ án nên giữ nguyên nội dung truy đối với các bị cáo.
Theo chủ tọa, để HĐXX xem xét toàn diện vụ án và đưa ra phán quyết khách quan, đại diện DAB cần cung cấp tập tài liệu gốc cũng như làm việc với người cung cấp. HĐXX sẽ tiếp tục nghị án và đưa ra phán quyết vào chiều 13/7.
Cáo trạng xác định, từ năm 2007 đến 2013, ông Bình với vai trò Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD DongABank đã chỉ đạo các thuộc cấp và nhiều người giải ngân trái pháp luật cho 4 nhóm khách hàng: Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng vay hàng chục nghìn tỷ đồng để che giấu tình trạng nợ xấu, dẫn đến thiệt hại hơn 8.827 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Bình còn lợi dụng quyền hạn, chiếm đoạt hơn 75 tỷ đồng sử dụng riêng.
Hành vi của ông Bình và các đồng phạm là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank bị lỗ lũy kế hơn 31.000 nghìn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm 25.000 tỷ đồng và tổng tài sản thực của ngân hàng chỉ còn 47.000 tỷ đồng.
VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Bình mức án tù chung thân, các bị cáo còn lại từ 2 đến 20 năm tù; giao các bất động sản (khách hàng thế chấp để vay tiền) cho DAB quản lý, sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
Cơ quan công tố đề nghị toà buộc Trần Phương Bình bồi thường 75,6 tỷ đồng chiếm đoạt của DAB và 3.139 tỷ đồng trong việc cho nhóm Hiệp Phú Gia và TTC vay; giành quyền khởi kiện cho bị cáo đối với các khách hàng đã vay tiền. Bị cáo Phùng Ngọc Khách bị đề nghị bồi thường hơn 3.949 tỷ đồng vay của DAB.
Đối với các khoản vay của nhóm khách hàng Đồng Tiến, Tân Vạn Hưng, VKS đề nghị HĐXX buộc những người liên quan phải hoàn trả 1.790 tỷ đồng cho DAB.
HĐXX tiếp tục tạm giữ 250 tỷ đồng Công ty Ba Son đã nộp lại, để đảm bảo việc thi hành án của ông Bình. Các tài sản được các nhóm khách hàng thế chấp vay tiền tại DAB tiếp tục giao cho ngân hàng quản lý để xử lý nợ.
Trong giai đoạn một của vụ án, ông Bình cùng Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm") và 24 đồng phạm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho DAB hơn 3.600 tỷ đồng. Ông Bình bị tuyên án chung thân về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Hải Duyên