Chiều 25/6 - ngày thứ ba ông Trần Phương Bình (61 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐTD, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á - DAB) và 11 đồng phạm bị xét xử về hành vi gây thiệt hại 8.827 tỷ đồng cho DongABank. Tòa hỏi ông Bình và người liên quan về việc nhận thế chấp trái pháp luật một số dự án tại khu đất "vàng" trung tâm Sài Gòn.
Ông Bình cho biết, năm 2007 được ông Lê Trọng Nhi - chuyên gia tài chính Việt kiều Mỹ giới thiệu gặp Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP M&C). Biết ông Kkánh cần tiền đầu tư dự án Sài Gòn M&C (Sài Gòn One Tower, 34 Tôn Đức Thắng), ông Bình đánh giá DAB có thể thuê hoặc mua một phần để làm trụ sở, thuận tiện cho việc giao dịch kinh doanh, nên đồng ý tài trợ tiền. Tổng giám đốc DAB cũng đề nghị cho ngân hàng và cá nhân mình mua cổ phần Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C (công ty con, thực hiện dự án cao ốc).
DAB sau đó tài trợ vốn bằng hình thức cho Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C vay 679 tỷ đồng dài hạn. Đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay, một phần của dự án. Đồng thời, ông Bình cho một số cá nhân là nhân viên của Khánh đứng tên vay vốn để hợp tác đầu tư với Công ty CP M&C (công ty mẹ) thực hiện dự án với mục đích có thêm cơ hội mua sản phẩm khi cao ốc hoàn thiện. Việc này dẫn tới dư nợ của nhóm khách hàng M&C (gồm nhiều cá nhân và pháp nhân) tại DAB ngày càng lớn.
Ông Bình bị "sa lầy" vào các khoản nợ tại dự án này trong khi các công ty của Khánh không có khả năng trả nợ. Để che giấu tình trạng nợ quá hạn quá cao, ông Bình yêu cầu Khánh tiếp tục vay để đảo nợ cho các khoản đến hạn.
Thời điểm này (năm 2011), ông Bình biết Công ty CP M&C còn ký hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Ba Son để đầu tư làm dự án Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1). Tuy dự án mới được UBND TP HCM chấp thuận về chủ trương, nhưng ông Bình sau đó chỉ đạo các chi nhánh nhận tài sản hình thành trong tương lai là dự án khu Trung tâm phức hợp bao gồm tháp căn hộ phức hợp 38 tầng, vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, để làm tài sản đảm bảo.
Tổng cộng, ông Bình đã chỉ đạo DAB cho 4 công ty thuộc nhóm khách hàng M&C vay 5 khoản với hơn 1.675 tỷ đồng.
"Bị cáo rất mừng khi Công ty M&C của Khánh làm việc được với Công ty TNHH Một thành viên Ba Son. Bởi đây là khu đất "vàng", nếu thực hiện được dự án thì có khả năng thu hồi nợ. Tuy nhiên, khi xem thỏa thuận giữa hai bên thì thấy Công ty M&C phải đóng 500 tỷ đồng cọc trong khi Khánh không có khả năng tài chính", ông Bình nói và cho biết sau đó đã cho Khánh vay 250 tỷ đồng và đề nghị ông này kiếm thêm nguồn tài chính khác.
Tòa hỏi: "Tại sao các công ty của ông Khánh đang nợ DAB chưa trả được nhưng bị cáo vẫn tiếp tục cho vay?". Ông Bình trả lời: "Bị cáo biết khả năng tài chính của ông Khánh cũng hạn chế, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và sống bằng nhiều nguồn tài chính khác nhau nhưng đã đâm lao thì phải theo lao".
Cuối cùng, ông Bình phải dùng pháp nhân công ty và cá nhân em vợ đứng ra vay DAB 250 tỷ đồng thay cho Khánh để đặt cọc cho Công ty TNHH Một thành viên Ba Son. Do Khánh không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo thỏa thuận hợp tác, Công ty Ba Son sau đó thanh lý hợp đồng. Việc này khiến hợp đồng hợp tác giữa Công ty CP M&C và DAB chỉ là lập khống để hợp thức hóa hồ sơ vay.
Đến hạn, Công ty M&C không trả được tiền, ông Bình tiếp tục chỉ đạo nhân viên làm thủ tục vay khống cho công ty này 270 tỷ đồng để đảo nợ.
Chủ tọa cho biết, để thực hiện được dự án này Công ty M&C còn có nghĩa vụ đóng tiền quyền sử dụng đất lên tới 10.000 tỷ đồng. Ông Bình phải biết được dự án Ba Son là không có khả thi.
"Bị cáo không nhìn tới", ông Bình nói và thừa nhận tất cả quan hệ tín dụng với nhóm khách hàng M&C của Phùng Ngọc Khánh đều trái pháp luật. Hiện, các khoản vay của nhóm này còn dư nợ 3.949 tỷ đồng.
Ông Bình cũng thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm liên quan việc cho các nhóm khách hàng khác vay, gây tổng thiệt hại hơn 8.827 tỷ đồng.
Ông Bình và 11 đồng phạm bị truy tố về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ông đang mang án tù chung thân về hành vi cùng Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm") và 24 đồng phạm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho DongABank hơn 3.600 tỷ đồng ở giai đoạn một vụ án.
Cáo trạng thể hiện, cơ quan điều tra nhận định 250 tỷ đồng DAB cho Công ty M&C vay để chuyển cho Công ty Ba Son là khoản đầu tư trái pháp luật, là vật chứng vụ án, nên yêu cầu Công ty Ba Son nộp lại để thu hồi nợ cho DAB. Tuy nhiên, Công ty Ba Son hiện chưa thực hiện.
Hải Duyên