Ngày 6/7, phiên xử ông Trần Phương Bình (nguyên Chủ tịch HĐTD, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á - DongABank) và các đồng phạm về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng kết thúc phần tranh luận.
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, ông Bình nhận trách nhiệm về những sai phạm đã gây ra trong thời gian điều hành DAB. "Tôi xin lỗi các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên DongABank, vì tin tưởng và làm theo chỉ đạo của tôi, mà vướng vào lao lý", ông Bình nói và xin HĐXX xem xét khoan hồng cho mình cũng như đồng phạm.
Tương tự, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP M&C Phùng Ngọc Khánh cũng mong các cán bộ ngân hàng (liên quan trong việc phê duyệt các khoản vay trái phép cho Công ty M&C) tha thứ cho mình.
Bị cáo Khánh đề nghị tòa xem xét, ghi nhận sự cố gắng của mình trong việc khắc phục hậu quả từ các khoản vay của công ty này tại Ngân hàng Đông Á và xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông.
Những bị cáo là cựu cán bộ DAB cho rằng mình chỉ là người làm công ăn lương, thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên không tư lợi cá nhân... xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Chiều 10/7, HĐXX tuyên án.
Trước đó, trong phần đối đáp, đại diện VKS đánh giá hành vi, hậu quả mà các bị cáo gây ra là đặc biệt lớn. Tội danh và hình phạt VKS đề nghị là có căn cứ, đã xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ... nên đề nghị tòa bác quan điểm của các luật sư và bị cáo cho rằng mức án nặng.
Theo VKS, từ 2007 đến 2013, ông Bình với vai trò là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD DongABank đã chỉ đạo các thuộc cấp và nhiều người liên quan giải ngân trái pháp luật cho 4 nhóm khách hàng: Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng vay hàng chục nghìn tỷ đồng để che giấu tình trạng nợ xấu dẫn đến thiệt hại hơn 8.827 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Bình còn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 75 tỷ đồng sử dụng mục đích cá nhân.
Hành vi của ông Bình và các đồng phạm là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank bị lỗ lũy kế hơn 31.000 nghìn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm 25.000 tỷ đồng và tổng tài sản thực của ngân hàng chỉ còn 47.000 tỷ đồng.
VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Bình mức án tù chung thân là tương xứng với tính chất mức độ và vai trò trong vụ án. Các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức cho ông Bình, bị đề nghị từ 2 đến 20 năm tù.
VKS cũng giữ nguyên quan điểm về việc giải quyết trách nhiệm dân sự trong vụ án như trước đó. Tức là, giao các bất động sản (mà những nhóm khách hàng thế chấp để vay tiền) cho DAB quản lý, sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
Buộc Trần Phương Bình bồi thường 75,6 tỷ đồng chiếm đoạt của DAB và 3.139 tỷ đồng trong việc cho nhóm Hiệp Phú Gia và TTC vay; giành quyền khởi kiện cho bị cáo đối với các khách hàng đã vay tiền.
Bị cáo Phùng Ngọc Khách bị đề nghị bồi thường hơn 3.949 tỷ đồng vay của DAB.
Đối với các khoản vay của nhóm khách hàng Đồng Tiến, Tân Vạn Hưng, VKS đề nghị HĐXX buộc những người liên quan phải hoàn trả 1.790 tỷ đồng cho DAB.
HĐXX tiếp tục tạm giữ 250 tỷ đồng Công ty Ba Son đã nộp lại, để đảm bảo việc thi hành án của ông Bình. Các tài sản được các nhóm khách hàng thế chấp vay tiền tại DAB tiếp tục giao cho ngân hàng quản lý để xử lý nợ.
Trong giai đoạn một của vụ án, ông Bình cùng Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm") và 24 đồng phạm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho DAB hơn 3.600 tỷ đồng. Cuối năm 2018, ông Bình bị TAND TP HCM tuyên án chung thân về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bản án này được TAND Tối cao giữ nguyên sau phiên phúc thẩm.
Hải Duyên