Theo bác sĩ Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng Khoa lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP HCM, quần áo sau khi tiếp xúc kiến ba khoang cần được giặt thật kỹ. Khi dính dịch của kiến ba khoang, cần tránh tiếp xúc xà phòng và ánh sáng mặt trời có thể làm tổn thương da nặng hơn. Tránh gãi, cọ xát để dính độc tố sang các vùng da khác làm lây lan thương tổn.
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là bệnh thường gặp vào mùa mưa, thường xuất hiện ở vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân vào buổi sáng sau một đêm ngủ dậy. Trường hợp nhẹ, có thể sử dụng các loại corticoid bôi mức độ nhẹ thời gian ngắn khoảng 5-7 ngày. Nếu không đỡ hoặc nặng hơn, da đỏ hay nóng rát nhiều, chảy mủ, lở loét cần tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu ngay để điều trị kịp thời.
Cần phân biệt viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và bệnh zona thần kinh, bởi đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Chẩn đoán nhầm, sử dụng thuốc sai sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị, có thể khiến bệnh nặng và quá trình phục hồi lâu hơn.
Nhiều người hay dùng các bài thuốc dân gian khi kiến ba khoang tấn kinh hoặc zona thần kinh. Theo bác sĩ Phượng, với viêm da tiếp xúc kích ứng (do độc tố của kiến ba khoang gây ra) hay bệnh zona (do virus gây ra) thì thuốc tây có nhiều thuốc đặc trị hơn, có loại thuốc điều trị đúng cơ chế của bệnh (như kháng virus), các hoạt chất đã được nghiên cứu hiệu quả và cũng đã kiểm nghiệm trên lâm sàng tốt hơn. Mặt khác, thuốc tây an toàn hiệu quả, ít nguy cơ dị ứng và nhiễm trùng hơn.
Bác sĩ Phượng khuyến cáo khi làm việc dưới ánh đèn, tránh phản xạ quệt tay khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt. Chú ý giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Vào mùa mưa đề phòng côn trùng bay vào nhà, có thể xịt các thuốc diệt côn trùng không hại. Nên ngủ mùng và tắt đèn khi ngủ, hạn chế mở cửa nhiều vào ban đêm và nên bung rèm cửa.