Trả lời:
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và bệnh zona thần kinh là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Chẩn đoán nhầm, sử dụng thuốc sai sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị, có thể khiến bệnh nặng và quá trình phục hồi lâu hơn.
Nhiều bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, bôi thuốc Acyclovir do bị chẩn đoán nhầm là bệnh zona, hoặc tự ý bôi các thuốc màu, đắp lá cây hoặc dùng biện pháp dân gian khác, khiến vết thương bị loét, lan rộng hoặc nhiễm trùng.
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là bệnh thường gặp vào mùa mưa, thường xuất hiện ở vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân vào buổi sáng sau một đêm ngủ dậy. Độc tố Pederin do kiến ba khoang tiết ra (do chúng bị đập hay chà xát, nghiền) làm bệnh nhân ban đầu cảm thấy ngứa, bỏng rát và căng da. Sau đó, da đỏ và sưng nề, trên có nhiều mụn nước to nhỏ không đều 1-5 mm, vài ngày sau thành bóng nước hay bóng mủ. Sang thương xuất hiện thành đường, nếu bệnh nhân cào gãi hay chà xát sẽ làm tổn thương lan sang vị trí khác.
Trong khi đó, bệnh zona thần kinh là do virus gây ra, ảnh hưởng đến da và thần kinh. Bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhức tại chỗ nhiều hơn ở vùng tổn thương. Bệnh biểu hiện là những đám mụn nước, bóng nước căng chứa dịch trong, mọc thành chùm trên nền da đỏ, phân bố một bên cơ thể và theo đường đi của dây thần kinh, hay gặp ở vùng ngực, đầu mặt cổ và vùng mông đùi. Ngoài ra, bệnh nhân có thể mệt mỏi, sốt, nhức đầu... Khi khỏi bệnh có thể để lại cơn đau sau zona dai dẳng làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh.
Khi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, cần hạn chế sử dụng xà bông lên vùng da này, tránh tiếp xúc với ánh sáng vì sẽ gây tình trạng viêm da tiếp xúc nặng hơn. Không sờ, cào gãi vùng da này vì nếu không rửa tay sẽ làm lan độc tố sang vùng da khác. Nếu điều trị đúng cách thì thương tổn sẽ mau lành, không để lại di chứng như sẹo xấu. Nếu điều trị không đúng cách có thể dẫn tới nhiễm trùng, để lại sẹo xấu và trong trường hợp viêm da tiếp xúc nặng, lở loét nhiều...
Bác sĩ Võ Thị Đoan Phượng
Trưởng Khoa lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP HCM