Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ mắc bệnh truyền nhiễm. Việc theo dõi và chăm sóc trẻ bị sốt rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng xử trí đúng cách khi con bị sốt.
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), sai lầm phổ biến nhất của cha mẹ là sợ gió, đóng kín cửa, đắp chăn khi trẻ kêu rét dù đang sốt cao. Hiểu lầm này là do người lớn không hiểu bản chất của sốt. Khi sốt quá cao, người bệnh thường cảm thấy nóng trong nhưng rét ở ngoài, càng đắp chăn càng rét. Sốt quá cao thì bao giờ người cũng rét run, tuy nhiên không phải do rét mà bởi hiện tượng co mạch ngoại vi nên có cảm giác lạnh còn trong người nóng.
Uống thuốc hạ sốt có cơ chế thoát nhiệt, trong đó thoát nhiệt qua đối lưu rất quan trọng. Muốn đối lưu thì phải có tốc độ dòng khí ở xung quanh mình, cũng giống như vào ngày trời nóng, bạn đi xe máy, có gió sẽ cảm thấy mát. Cơ thể có cơ chế thoát nhiệt qua da, nhưng nếu uống thuốc mà không có đối lưu thì không thoát nhiệt được.
"Vì thế, nguyên tắc quan trọng khi bị sốt là không được đắp chăn, không được đóng kín cửa mà phải mở cửa, quạt cho thông gió, để không khí trong nhà lưu thông. Với cách này chỉ một lúc sau người bệnh sẽ hết cảm giác rét", tiến sĩ Dũng nói.
Cha mẹ cũng cần lưu ý không sử dụng biện pháp chườm lạnh để hạ sốt cho trẻ. Nghiên cứu cho thấy các biện pháp chườm lạnh tại chỗ, nếu chỉ chườm từng vùng (trán, nách..) thì không có tác dụng hạ sốt mà còn có hại. Trẻ bị viêm phổi khi sử dụng phương pháp chườm lạnh còn làm tăng sử dụng ôxy khiến bệnh phổi nặng thêm. Đắp khăn lạnh, tắm lạnh hay chườm lạnh chỉ thực hiện trong trường hợp say nóng, say nắng; còn sốt do bệnh lý nhiễm khuẩn thì không nên áp dụng.
Cách lấy nước đá cho vào túi nilon, bọc vải bên ngoài, rồi đặt vào gần nách hai bên người bé cũng không nên áp dụng. Theo tiến sĩ Dũng, biện pháp chườm đá bị cấm vì có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp. Các cách chườm ấm cho con cũng được nhiều bà mẹ áp dụng tuy nhiên đây là cách truyền nhiệt hiệu quả rất thấp. Một số ngâm con vào nước ấm, cách làm này trước đây nhiều người áp dụng tuy hiện nay thì không cần thiết. Ngày xưa hạ sốt chỉ có aspirin nay thì có rất nhiều loại thuốc tốt có tác dụng hạ sốt.
"Cha mẹ không nên kết hợp vừa uống thuốc vừa đặt thuốc ở hậu môn vì có thể khiến cơ thể trẻ hạ sốt quá nhanh. Cũng không nên quá nóng vội muốn con phải hạ sốt thật nhanh, vì xuống quá nhanh lại nguy hiểm, cơ thể không chịu được sự thay đổi quá nhanh mà phải giảm từ từ. Những loại thuốc hạ sốt hiện nay sau 30 phút uống bắt đầu có tác dụng, nhiệt độ giảm dần sau 1-2 giờ", tiến sĩ Dũng nói.
Sốt ở trẻ con là khi thân nhiệt ở miệng từ 37,5 độ C trở lên, ở nách là 37,2 độ C. Khi trẻ sốt nhẹ 37,5-38,5 độ C thì chưa cần dùng thuốc hạ nhiệt mà chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước, nếu trẻ đang bú mẹ cho bú nhiều hơn. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C thì cần cho bé uống thuốc hạ sốt.
Nam Phương