Nhiều bệnh có thể khiến trẻ sốt, bao gồm cảm lạnh, cảm cúm và nhiễm khuẩn. Sốt là phản ứng bình thường của cơ thể với bệnh tật và sốt nhẹ không đáng lo, trừ phi kéo dài vài ngày. Những cách tại nhà dưới đây giúp bé giảm sốt và dễ chịu hơn.
Giữ mát
Một trong những cách tốt nhất không dùng thuốc để giúp bé hạ sốt là đảm bảo cho môi trường của trẻ thoáng mát, thoải mái. Điều này bao gồm mặc cho bé đồ nhẹ, thoáng, giữ nhiệt độ phòng mát mẻ. Khi bé ngủ, chỉ để bé đắp một chiếc chăn mỏng, trừ phi trẻ rét run thì có thể cho bé đắp thêm chăn ấm, trang FamilyDoctor.org - trang mạng của Viện hàn lâm bác sĩ gia đình Mỹ khuyên.
Dùng nhiều chất lỏng
Khi trẻ bị sốt, chất lỏng có tác dụng kép. Chất lỏng phù hợp không chỉ giúp trẻ làm mát cơ thể mà còn ngăn ngừa tình trạng mất nước - điều đáng ngại thực sự khi trẻ bị sốt. Các bác sĩ khuyên nên cho trẻ uống nước, ăn súp, kem... Với trẻ dưới 1 tuổi, nên cho bé uống nước bù dịch, không chỉ giúp trẻ đỡ mất nước mà còn đảm bảo cân bằng chất điện giải trong cơ thể.
Khi con bị ốm, bé cần được nghỉ ngơi nhiều để tăng tốc độ hồi phục. Nhưng quan trọng hơn, việc hoạt động nhiều có thể khiến nhiệt độ của trẻ tăng, làm sốt nặng hơn. Vì vậy, chế độ nghỉ ngơi, ăn uống giúp ích rất nhiều khi bé sốt.
Tắm nước ấm
Tắm nước ấm cho trẻ có thể giúp giảm nhiệt độ của bé. Có thể ngâm bé trong nước ấm 5-10 phút. Nhiệt độ của nước rất quan trọng. Nếu nước nóng thậm chí có thể làm nhiệt độ của trẻ tăng thêm, nước lạnh có thể làm bé run rẩy, và sau đó cũng khiến bé sốt cao hơn.
Khi nào cần gọi bác sĩ
Nhiều bác sĩ cho rằng sốt là ngưỡng khi trẻ có nhiệt độ cao hơn 37,5 độ C (đo ở miệng) hay 38 độ C (đo ở hậu môn). Bất cứ khi nào trẻ dưới 3 tháng bị sốt ở nhiệt độ này, bạn cần gọi hỏi ý kiến bác sĩ. Với trẻ 3-6 tháng, cần đưa đi khám nếu sốt cao trên 38,3 độ C. Trẻ trên 6 tháng nên đi khám nếu nhiệt độ từ 39 độ C trở lên hay sốt kéo dài trên 2 ngày. Bạn nên gọi bác sĩ ngay lập tức khi con sốt từ 39,5 độ C trở lên.
Vương Linh (theo Livestrong.com)