Trả lời:
Cơ thể coi kháng nguyên từ vaccine là chất lạ, từ đó tạo kháng thể chống chất lạ này xâm nhập. Vì vậy, người tiêm vaccine có thể gặp phải các phản ứng tại chỗ như đau, sưng, nổi cục cứng tại nơi tiêm... hoặc các phản ứng toàn thân như sốt, khó chịu, cáu kỉnh, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn. Hầu hết các phản ứng này thường nhẹ, thoáng qua và tự hết sau 1 đến 2 ngày.
Do đó, nếu con bạn tiêm vaccine não mô cầu về bị sốt, mệt mỏi thì không cần quá lo lắng vì đó là tín hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch nhận ra tác nhân lạ và phản ứng lại.
Khi trẻ sốt trên 38.5 độ C, bạn có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol, với thời gian và liều lượng phù hợp cân nặng theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp trẻ đang mắc bệnh lý về tim mạch, viêm phổi hoặc có tiền sử sốt cao co giật, có thể được dùng thuốc khi sốt trên 38 độ. Nếu trẻ có bệnh lý khác hoặc từng phản ứng khi sử dụng các loại thuốc hạ sốt, bạn cần xin tư vấn của bác sĩ về loại thuốc phù hợp.
Bên cạnh đó, bạn cần lựa chọn quần áo thoáng mát, mỏng nhẹ cho trẻ, nhiệt độ phòng điều hòa nên ở mức 27-29 độ C để giảm chênh lệch nhiệt độ với ngoài trời. Gia đình khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể xen kẽ nước lọc và các loại nước cam, chanh, nước ép trái cây. Chế độ ăn uống nên duy trì như thường ngày, không cần kiêng một loại thực phẩm cụ thể nào sau tiêm vaccine não mô cầu.
Các loại vaccine trước khi được đưa vào sử dụng rộng rãi đều được trải qua quá trình nghiên cứu tính an toàn và tính sinh miễn dịch nên rất an toàn. Về nguyên tắc chung, người tiêm vaccine cần theo dõi các phản ứng tại trung tâm tiêm chủng ít nhất 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà tối thiểu 48 giờ. Việc này giúp xử trí kịp thời các phản ứng bất thường hiếm gặp có thể xảy ra như phản vệ, co giật do sốt cao.
Vì vậy, khi đi tiêm chủng, bạn cần lưu ý dặn dò của bác sĩ và điều dưỡng tại trung tâm để phân biệt các phản ứng sau tiêm thông thường và dấu hiệu nghiêm trọng nào cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế.
Bác sĩ Nguyễn Minh Luân
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC