Trước thông tin bé gái 6 tuổi ở Tây Ninh, nhập viện do sốc nhiễm trùng, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm vi khuẩn não mô cầu nhóm B và chưa từng tiêm vaccine, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, cho biết não mô cầu nhóm B là một chủng trong số 13 nhóm vi khuẩn não mô cầu. Đây là chủng vi khuẩn phổ biến tại Việt Nam trong vòng 15 năm qua, gây viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi.
Bệnh do não mô cầu nhóm B diễn tiến rất nhanh, có thể tử vong chỉ trong 24 giờ. Nhiều trường hợp vẫn khỏe mạnh vào buổi sáng, đến tối nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết bệnh viêm màng não do vi khuẩn nhóm B cần đặc biệt chú ý ở trẻ em. Lý do là trẻ nhỏ có nguy cơ mắc cao, đặc biệt ở nhóm dưới 5 tháng tuổi.
Bác sĩ Chính dẫn chứng nghiên cứu được đăng tải trên Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ vào tháng 3/2022, ca mắc viêm màng não mô cầu ở người dưới 1 tuổi do nhóm huyết thanh B, chiếm khoảng 60% trường hợp. Tại Việt Nam, Viện Pasteur TP HCM dẫn kết quả giám sát tại một số đơn vị quân đội khu vực miền Bắc và các vụ dịch, cho thấy tỷ lệ mắc nhóm B chiếm trên 80%.
Năm 2016 và 2022, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh nhiệt đới TP HCM ghi nhận hai ca mắc não mô cầu nhóm B ở bé trai hơn 4 tháng tuổi (Tiền Giang) và bé gái 5 tháng tuổi (quận 11, TP HCM). Các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tử ban lan rộng trên da và sốc nhiễm khuẩn huyết. Sau đó, bé trai được cứu sống nhưng phải chịu di chứng cắt cụt chi còn bé gái đã tử vong chỉ sau hơn 8 giờ nhập viện.
"Chi phí điều trị một ca bệnh do não mô cầu rất tốn kém, lên đến hàng trăm triệu đồng, phải huy động nhiều thiết bị, nhân lực song vẫn có thể để lại gánh nặng chăm sóc người tàn tật về sau", bác sĩ Chính nói.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dù được phát hiện sớm và điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong khi mắc viêm não mô cầu từ 5 đến 15%. Cơ quan này khuyến cáo cộng đồng phòng bệnh bằng nhiều cách, như: thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, giữ nơi ở và khu vực làm việc sạch sẽ, chủ động tiêm vaccine cho trẻ khi đủ tuổi, đi khám ngay khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cổ cứng...
Trong đó, biện pháp vaccine được bác sĩ Chính nhấn mạnh. Vaccine giúp trẻ có miễn dịch phòng ngừa chủ động, tránh nhiễm bệnh và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sức khỏe, trí tuệ về sau.
Hiện Việt Nam có 3 loại vaccine phòng bệnh do não mô cầu, gồm vaccine phòng não mô cầu nhóm B thế hệ mới (Bexsero, Italy); vaccine phòng não mô cầu nhóm BC (Mengoc BC, Cuba); vaccine phòng các nhóm não mô cầu A, C, Y, W-135 (Menactra, Mỹ).
Vaccine Bexsero của Italy phòng bệnh sớm cho trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn đến 50 tuổi, được sản xuất theo công nghệ mới. Nhờ đó, mũi tiêm có khả năng tiêu diệt hiệp đồng cao và bao phủ nhiều chủng vi khuẩn não mô cầu nhóm B, có hiệu quả 95% phòng các bệnh lý não mô cầu xâm lấn như viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết... Còn vaccine Mengoc BC (CuBa) phòng bệnh cho người từ 6 tháng tuổi đến 45 tuổi, chứa một thành phần kháng nguyên nhóm B nên hiệu quả bảo vệ trên nhóm B hẹp hơn.
Vaccine Menactra của Mỹ dành cho người từ 9 tháng tuổi đến 55 tuổi. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ, từ khi đưa vào sử dụng, vaccine cộng hợp ACYW-135 đã giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở các nhóm huyết thanh chính gây bệnh C, Y và W-135.
Bác sĩ Chính lưu ý các vaccine não mô cầu không có miễn dịch phòng ngừa chéo, vì vậy trẻ em và người lớn cần tiêm sớm và đầy đủ các vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh nói trên, không nên trì hoãn hoặc chỉ tiêm một loại và bỏ qua loại khác.
Gia Nghi
Hệ thống tiêm chủng VNVC có đầy đủ cả 3 loại vaccine phòng tất cả các nhóm huyết thanh não mô cầu nguy hiểm, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ em và người lớn từ 2 tháng đến 55 tuổi.
20h ngày 12/4, VNVC tổ chức chương trình tư vấn "Ho gà, sởi, viêm màng não và các bệnh mùa xuân hè nguy hiểm". Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia:
- TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM
- BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
- BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Chương trình phát sóng trên các kênh truyền thông của VnExpress, VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Bạn đọc quan tâm, đặt câu hỏi cho chuyên gia tại đây.