Những ngày cuối tháng hai, thời tiết ấm dần, Việt Nam không còn ca nhiễm Covid-19, 16/16 ca đã được điều trị khỏi. Cho đến những ngày đầu tuần này, tôi đã dần có cảm giác yên tâm hơn về vấn đề cho các cháu đến trường trở lại. Nhưng đến giứa tuần qua, gió mùa Đông Bắc tràn về, trời chuyển mưa rét hai, ba ngày.
Giữa lòng Hà Nội những ngày rét mướt, bỗng chốc một cô gái 26 tuổi xuất hiện những triệu chứng ho, sốt - những biểu hiện thường gặp trong giai đoạn chuyển mùa này. Và rồi, khi người đưa cô gái đi xét nghiệm kết quả dương tính với Covid-19. Sau 22 ngày không có ca mắc, đêm qua và hôm nay, Việt Nam đã ghi nhận thêm bốn người nhiễm Covid-19, trong đó có ba người tại thủ đô Hà Nội và một người ở Ninh Bình. Ca bệnh ở Ninh Bình đi từ tâm dịch Daegu, Hàn Quốc trở về và được cách ly tại Trường quân sự Quân đoàn 1; triệu chứng cũng xuất hiện rõ hơn trong những ngày có gió mùa về và trời trở mưa rét.
Về vấn đề cho học sinh đi học trở lại, từ trạng thái bất an vào cuối tháng hai, đến giữa tuần qua, nhiều người đã có cảm giác yên tâm hơn và cũng đã nghĩ đến chuyện cho các học sinh trở lại trường. Nhưng sau những diễn biến phức tạp mới khi phát hiện thêm bốn ca nhiễm ngay ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, khu vực có mật độ dân số đông nhất cả nước, tôi cho rằng chưa nên cho các cháu đi học trở lại ngay, nhất là tại các tỉnh thành miền Bắc, vì lý do sau:
Thứ nhất, chúng ta chưa thể xác định hết được mức độ, phạm vi lây nhiễm virus của bệnh nhân thứ 17. Lỡ không may trong số những người tiếp xúc có trẻ em, học sinh thì các cháu cũng sẽ phải đi cách ly, ảnh hưởng đến việc học tập. Chưa kể, số lượng người từ Hàn Quốc, Italy hay các tâm dịch mới như Pháp, Đức, Mỹ về vẫn còn lớn và xác suất vẫn có thể có những người lách cách ly như cô gái ở Hà Nội. Nếu người đó nhiễm virus (ủ lâu mới phát bệnh), lây ra cộng đồng thì không biết điều gì xảy ra. Trong khi đó, ở miền Bắc, đây là giai đoạn giao mùa, thời tiết không ổn định, các căn bệnh như cảm cúm, viêm họng... có triệu chứng gần như tương tự với Covid-19 và khả năng phát bệnh rất lớn.
Lý do thứ hai, nếu chẳng may một cháu có nhiễm virus, có thể lây lan ra cả lớp, sau đó đến giáo viên, trường học, rồi cả cộng đồng. Khả năng này đến thời điểm hiện tại không cao nhưng vẫn phải cảnh giác. Hoặc nếu một cháu lúc đầu giờ đo thân nhiệt vẫn ổn, nhưng trong giờ học mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, thì lúc đó có thể cả lớp, thậm chí cả trường sẽ bị cách ly. Đó là điều không ai mong muốn. Đối với học sinh THPT hay sinh viên thì ngoài lý do trên, đặc thù các cháu rất khó quản lý.
Tựu chung lại, khí hậu miền Bắc lúc này mới chính là thứ điều kiện quá đỗi phù hợp để nCoV lây lan. Trong thời điểm giao mùa của tháng ba, xen giữa những ngày nắng ấm vẫn có những đợt rét ngắn ngày. Thời tiết thay đổi đột ngột, những triệu chứng như cảm cúm, ho, sốt chính là thứ mà chúng ta phải lưu tâm, nhất là trẻ nhỏ và người già.
Tôi thấy đề xuất nghỉ học hết tháng ba của TP HCM là hợp lý. Tôi hy vọng các cấp xem xét, quyết định cho học sinh, kể cả cấp THPT, các tỉnh thành miền Bắc, Thanh Hoá, TP HCM, Đà Nẵng tiếp tục nghỉ học thêm để phòng ngừa dịch bệnh. Có như vậy, người dân chúng tôi mới thực sự an tâm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.