Đang ngồi làm việc tại văn phòng, chị Nguyễn Thanh Thúy (quận 12, TP HCM) nhận cuộc gọi từ ông xã thông báo vợ chồng chị trở thành F1 vì đã tiếp xúc với F0. Chị cảm thấy bất an vì nhà còn hai con nhỏ. Kết quả test nhanh Covid-19 tại nhà của vợ chồng chị đều âm tính. Dù vậy, chị vẫn phân vân không biết mình đã thực hiện đúng cách chưa.
Trong một lần test nhanh định kỳ tại công ty, kết quả của anh Vũ Viết Tuân (quận 10, TP HCM) hiện hai vạch. Công ty yêu cầu anh đến bệnh viện xét nghiệm PCR. Nhận kết quả PCR dương tính, anh liền gọi điện thông báo tình trạng của mình. Những đồng nghiệp cùng phòng của anh cùng chung tâm trạng lo lắng và thực hiện test nhanh ngay sau đó. Chỉ khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm âm tính, mọi người mới thở phào, nhẹ nhõm phần nào.
Sau khoảng thời gian trở lại trạng thái bình thường mới, nhu cầu đi lại tăng cao, người dân quay lại với công sở; nhà hàng, quán ăn hoạt động lại... thì số ca nhiễm mới lại có xu hướng tăng lên. Trường hợp như anh Tuấn và vợ chồng chị Thúy là hai trong số đó. Tính đến chiều tối 18/11, Bộ Y tế cho biết, có thêm 8.616 ca nhiễm mới, riêng TP HCM 1.165 ca, An Giang 660, Bình Dương 616 ca... Số ca nhiễm tăng, F0 có thể hòa lẫn tại các nơi công cộng, công ty, siêu thị, quán ăn... Nhiều người trở thành F1, F2.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo mọi người nên xét nghiệm khi biết hoặc nghi ngờ bản thân nhiễm Covid-19. Theo BS.CKII Trần Thị Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khi biết có tiếp xúc với F0, người dân nên xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR, phương pháp xét nghiệm nào thuận tiện và dễ tiếp cận nhất thì thực hiện. Tuy nhiên, người dân cần chú ý đến thời điểm xét nghiệm để có kết quả chính xác.
Bác sĩ Thanh Nga chia sẻ thêm, sở dĩ cần phải tuân theo khoảng thời gian xét nghiệm là do virus SARS-CoV-2 khi xâm nhập vào cơ thể sẽ cần thời gian để sinh sôi và phát triển đến mức đủ số lượng để các xét nghiệm mới có thể phát hiện được. Theo đó, 2 trường hợp cần xem xét thời gian thực hiện xét nghiệm sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh gồm:
- Với người chưa tiêm vaccine: thời gian sớm nhất có thể cho ra kết quả dương tính trong khoảng 24 đến 48 giờ.
- Với người đã tiêm vaccine: khoảng thời gian xét nghiệm dương tính từ 5 đến 7 ngày tính từ thời điểm tiếp xúc với mầm bệnh.
- Với những người có triệu chứng, nếu xét nghiệm với bộ test nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính thì cần phải xét nghiệm lần 2 vào khoảng 24 đến 48 giờ sau đó. Nếu tiếp tục cho kết quả âm tính thì cần phải xét nghiệm RT-PCR.
Trong lúc chờ xét nghiệm, người dân dù tiêm hay chưa tiêm vaccine vẫn cần tự cách ly, tránh tiếp xúc, đảm bảo quy tắc 5K để không lây bệnh cho người khác. Vaccine hiện tại dù đạt hiệu quả cao nhưng không loại trừ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm. Một người nhiễm dù không triệu chứng nhưng vẫn có thể lây cho người khác. Bác sĩ Thanh Nga dẫn nghiên cứu cho thấy, khoảng 59% số người nhiễm bị lây từ F0 không triệu chứng.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp tục triển khai dịch vụ xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xét nghiệm RT-PCR với quy trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khách hàng đăng ký xét nghiệm Covid-19 có thể gọi đến hotline 0287 102 6789, đăng ký tại đây hoặc đến trực tiếp bệnh viện để được hỗ trợ.
Ngọc An