Trong ngày đầu triển khai tuần tư vấn về kháng thể đơn dòng phòng Covid-19 của AstraZeneca trên VnExpress, hệ thống đã nhận được hàng trăm câu hỏi về đối tượng được tiêm kháng thể này: Người bị HIV đang điều trị thuốc ARV, bệnh nhân ung thư đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch, người bệnh lupus ban đỏ, trẻ em bị tăng sản thượng thận bẩm sinh, người từng bị dị ứng nặng ở lần tiêm vaccine trước... có tiêm được không? Thời gian bảo vệ của kháng thể bao lâu? Đăng ký như thế nào? Chi phí và quy trình tiêm?...
"Nhiều người chờ liệu pháp kháng thể đơn dòng khi không thể tiêm vaccine Covid-19 vào thời điểm điều trị hoặc dễ suy giảm sức đề kháng nên có nguy cơ trở nặng, tử vong nếu mắc Covid-19", theo PGS.TS. BS Trần Quang Bính - Giám đốc chuyên môn BVĐK Tâm Anh TP HCM.
Gửi câu hỏi về tuần tư vấn, chị Võ Nguyễn Minh Thùy (43 tuổi, Yên Bái), chia sẻ: "Khi địa phương mở đợt tiêm vaccine Covid-19, tôi đang hóa trị nên không tiêm được. Hiện tôi đã vô thuốc xong 2 tuần thì có thể tiêm kháng thể đơn dòng không?"
Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, khi hóa chất tấn công vào tế bào miễn dịch, các tế bào máu của cơ thể sẽ khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu. Quá trình này có thể kéo dài tới vài tháng mới đủ thời gian cho cơ thể hồi phục về sức khỏe bình thường. Do đó trong tình hình Covid-19, người bệnh ung thư vừa trải qua đợt hóa xạ trị có nguy cơ nhiễm Covid-19 rất cao và bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn so với người bình thường. Vì vậy, họ nên tiêm kháng thể đơn dòng để có được hiệu quả bảo vệ sớm và kéo dài.
Nhiều độc giả thắc mắc "kháng thể đơn dòng có thay thế được vaccine không?". Phó giáo sư Trần Quang Bính nhấn mạnh: "Kháng thể đơn dòng không thay thế vaccine phòng Covid-19 cho cộng đồng mà chỉ hướng tới những người suy giảm miễn dịch hoặc không có khả năng đáp ứng miễn dịch thỏa đáng, hoặc không sinh đầy đủ kháng thể sau khi đã tiêm đủ liều vaccine và cho người không thể tiêm vaccine do từng xảy ra phản ứng bất lợi nghiêm trọng với vaccine Covid-19".
GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, kháng thể đơn dòng phòng Covid-19 được tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên, cân nặng từ 40 kg, tại thời điểm tiêm không bị nhiễm nCoV và không có tiếp xúc với người nhiễm nCoV; đồng thời phải thuộc một trong các trường hợp theo quy định ở trên. Người tiêm kháng thể đơn dòng sẽ được khám sàng lọc trước tiêm, tiêm và chăm sóc sau tiêm.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có gần 230.000 người nhiễm HIV, 6.100 ca ghép tạng, có hơn 182.500 ca mắc mới bệnh ung thư... Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, cần thêm liệu pháp bảo vệ trước Covid-19. Với sự hỗ trợ, cấp phép của Bộ Y tế, AstraZeneca Việt Nam và Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC), Hệ thống BVĐK Tâm Anh tại Hà Nội và TP HCM dự kiến triển khai tiêm kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19 vào cuối tháng 3.
Theo đại diện nhà sản xuất, kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19 được tiêm bắp sâu, một liều hai mũi tiêm cùng lúc, có thể sinh kháng thể sau vài giờ tiêm, hiệu quả bảo vệ 83%, ngay cả với biến chủng Omicron và không có trường hợp bệnh nặng hay tử vong suốt 6 tháng theo dõi. Hiệu quả này được quan sát ở những người bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý, hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, hoặc có thể không tạo được đáp ứng miễn dịch với vaccine phòng Covid-19 như người cấy ghép tạng (ghép gan, ghép thận, ghép tim...), ung thư, HIV...
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chiều 16/3, khuyến cáo không sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng phòng Covid-19 cho F0 đang điều trị, sau phơi nhiễm nCoV ở người có thể tiêm vaccine.
Xuân Lê