Theo PGS.TS.BS Trần Quang Bính, Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, thông tin từ AstraZeneca cho thấy, từ hơn 1.500 kháng thể của người khỏi bệnh Covid-19, các nhà khoa học chọn ra hai kháng thể có hoạt lực mạnh và có khả năng hiệp đồng để tạo ra kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19. Kháng thể đơn dòng của AstraZeneca được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Bộ Y tế Việt Nam cấp phép nhằm bảo vệ nhóm người suy giảm miễn dịch, nhóm người không thể tiêm vaccine Covid-19. Dự kiến liệu pháp kháng thể này sẽ về Việt Nam vào cuối tháng 3.
Nhằm cung cấp thông tin cho độc giả, VnExpress phối hợp với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tuần tư vấn "Kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19 cho người suy giảm miễn dịch, ghép tạng, ung thư..." từ ngày 21-27/3. Chương trình có sự tham gia của 15 chuyên gia hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong các lĩnh vực: Miễn dịch, Ung bướu, Hô hấp, Tim mạch, Cơ xương khớp, Nội tiết, Đái tháo đường, Thận - Tiết niệu...
Trong khuôn khổ tuần tư vấn, vào lúc 20h ngày 22/3, sẽ diễn ra buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Tìm hiểu kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19 cho nhóm người suy giảm miễn dịch và không thể tiêm vaccine Covid-19", được tiếp sóng trực tiếp trên fanpage VnExpress.
PGS.TS.BS Trần Quang Bính, cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 2% dân số toàn cầu dễ tổn thương trước Covid-19, chủ yếu nhóm người suy giảm miễn dịch. Hiệu quả vaccine ở nhóm đối tượng này bị suy giảm dù đã tiêm đủ liều. Vì vậy, có thêm biện pháp bảo vệ cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, ung thư, ghép tạng hoặc nhóm người không thể tiêm hoặc không tạo kháng thể sau tiêm vaccine ngừa Covid-19 rất cần thiết. Bởi họ thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, có thể trở nặng, tử vong nếu nhiễm nCoV.
"Mỗi ngày hệ thống tổng đài, fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nhận được hàng nghìn cuộc gọi, tin nhắn hỏi về kháng thể đơn dòng, nhất là những người có bệnh nền như tăng huyết áp, xơ gan, suy thận mạn, tim mạch, ung thư... vì họ bị giảm sức đề kháng và có nguy cơ bệnh nặng hơn khi mắc Covid-19", Phó giáo sư Trần Quang Bính chia sẻ.
Bà Trần Thị Mai (54 tuổi, ngụ quận 12, TP HCM) cho biết, con gái của bà năm nay 24 tuổi, bị ung thư vú, đã phẫu thuật và đang hóa trị nên chưa tiêm vaccine Covid-19. Vì vậy, bà quan tâm đến kháng thể đơn dòng và mong phương pháp dự phòng Covid-19 mới này dành cho nhóm người bị suy giảm miễn dịch.
Trong khi đó, anh Trần Quốc Hoàn (34 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) chia sẻ, bố của anh bị suy tim độ 4, có tiền sử phản ứng phản vệ với một số vaccine nên bỏ qua nhiều đợt tiêm vaccine Covid-19 trong cộng đồng. Trước sự lây lan nhanh của biến chủng Omicron, anh Hoàn mong bố có tiếp thể cận liệu pháp bảo vệ mới.
Các nghiên cứu được AstraZeneca công bố cho thấy, kháng thể đơn dòng này đã được kiểm nghiệm trên hơn 7.000 người, qua 3 thử nghiệm pha 3 và cho kết quả an toàn. Kháng thể đơn dòng có thể giúp tạo đủ lượng kháng thể cần thiết cho cơ thể với hiệu quả bảo vệ lên đến 83%, kể cả Omicron và không có trường hợp bệnh nặng hay tử vong trong suốt 6 tháng theo dõi. Hiệu quả này được quan sát ở những người bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc đang sử dụng các thuốc, phác đồ điều trị ức chế miễn dịch và có thể không tạo được đáp ứng miễn dịch với vaccine phòng Covid-19 như người cấy ghép tạng (ghép gan, ghép thận, ghép tim...), ung thư, HIV...
Theo GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khác với các vaccine ngừa Covid-19 sẽ bắt đầu tạo kháng thể sau 2 tuần tiêm vào cơ thể, kháng thể đơn dòng được tạo sẵn trong phòng thí nghiệm. Khi được tiêm vào cơ thể, chúng lập tức kích hoạt, có thể phòng Covid-19 sau vài giờ tiêm. Kháng thể đơn dòng của AstraZeneca đã được Mỹ và nhiều quốc gia khác cấp phép sử dụng.
"Các nghiên cứu đến nay cho thấy, kháng thể đơn dòng của AstraZeneca dung nạp khá tốt, ít tác dụng phụ được ghi nhận. Người dùng thuốc có thể xuất hiện những triệu chứng nhẹ như sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể...", Giáo sư Ngô Quý Châu cho biết.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, nhận định, ưu điểm của kháng thể đơn dòng dự phòng là tạo kháng thể chờ sẵn trong máu. Khi thấy tác nhân gây bệnh, chúng sẽ bao vây tác nhân gây bệnh và không cho nhân lên cũng như làm chậm sự nhân lên của tế bào bị bệnh. Kháng thể đơn dòng trước đây đã được ứng dụng nhiều trong y khoa như các loại huyết thanh kháng dại, kháng uốn ván hay bạch hầu, trong phòng ngừa viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con.
"Kháng thể đơn dòng điều trị Covid-19 cho người F0 đã có vài hãng sản xuất, chủ yếu bằng đường truyền tĩnh mạch. Nay kháng thể đơn dòng dùng dự phòng Covid-19 lần đầu tiên trên thế giới được FDA cấp phép sử dụng, và dùng bằng đường tiêm bắp nên khi triển khai sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn cho người dân", bác sĩ Trương Hữu Khanh đánh giá.
Kim Uyên
Tuần tư vấn "Kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19 cho nhóm người suy giảm miễn dịch, ghép tạng, ung thư" diễn ra trên VnExpress có sự tham gia của các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh như: GS.TS.BS Ngô Quý Châu, PGS.TS.BS Trần Quang Bính, GS.TS.BS Hoàng Anh Dũng, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa, PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, BS.TS Vũ Trường Khanh, TS.BS Hoàng Kim Ước, TS.BS Tăng Hà Nam Anh, BS.CKII Tạ Phương Dung, TS.BS Vũ Hữu Khiêm, BS Trần Vương Thảo Nghi và BS Trương Hữu Khanh.
Độc giả đặt câu hỏi tại đây để được chuyên gia tư vấn.