Trong lễ xuất xưởng hai mẫu Veloz Cross và Avanza Premio lắp ráp tại nhà máy ở Vĩnh Phúc hôm 28/12, Toyota Việt Nam công bố hạng mục linh kiện nội địa hóa cho hai sản phẩm này, với bảng tổng cộng 237 linh kiện. Trên một chiếc xe, có khoảng 2.000-3.000 linh kiện cấu thành.
Cụ thể, các linh kiện nội địa hóa chủ yếu nằm ở các nhóm như kính, lốp hay vành xe, tấm ốp cửa, tấm ốp thân xe, ghế. Bên cạnh đó là nhiều linh kiện vốn không nhìn thấy từ bên ngoài, được để riêng, như thanh giằng, dây điện động cơ, tấm cách nhiệt sàn cabin ngoài, kẹp gá bàn đạp ga.
Trong số này, linh kiện có giá trị cao nhất là ghế, còn lại đều là những chi tiết chủ yếu từ nhựa, cao su.
Xét về số lượng, lượng linh kiện nội địa hóa trên hai mẫu xe của Toyota đạt khoảng 10%. Về giá trị, hãng không công bố. Tuy vậy, các chi tiết quan trọng tạo nên động cơ, hệ truyền động hay điện tử của xe đều nhập. Đây là những linh kiện có hàm lượng kỹ thuật cao và giá trị nhất trên xe.
Hiện Vios vẫn là mẫu xe có hàm lượng nội địa hóa cao nhất của Toyota cũng như của tất cả các mẫu xe của các thương hiệu được lắp ráp tại Việt Nam, khoảng 40%. Tỷ lệ này được tính theo cách truyền thống lâu nay tại Việt Nam là điểm cho các loại linh kiện. Tuy vậy, cách tính này không thực sự phù hợp với thực tế hiện nay. Ví dụ cùng ghế nhưng ghế có hệ thống sưởi, làm mát, chỉnh điện sẽ phải cao điểm hơn ghế chỉnh cơ, không có hệ thống hỗ trợ. Theo cách tính cũ thì ghế đều cùng một mức điểm.
Tỷ lệ nội địa hóa vẫn là vấn đề được nhắc đến như một điểm yếu nhất của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Các công ty cho rằng vì thị trường nhỏ, thiếu hỗ trợ nên ngành công nghiệp phụ trợ khó phát triển. Trong khi đó, các hãng xe thường sẽ rất cân nhắc trong việc chuyển nhà cung cấp, đặc biệt là các hãng liên doanh, bởi nhà cung cấp của mỗi hãng thường được quyết định từ công ty mẹ.
Năm 1995, khi Toyota đặt chân đến Việt Nam, nhà sản xuất này gặp khó khi muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa do thị trường xe hơi có quy mô rất nhỏ với chỉ khoảng vài nghìn xe mỗi năm, nhưng có tới 10 nhà sản xuất với 20 nhãn hiệu khác nhau.
Đến 2001, hãng đầu tư xây dựng xưởng dập thân vỏ xe cho Corolla và Vios. Năm 2008, hãng mở rộng thêm xưởng sản xuất khung gầm với hai dây chuyền hàn và sơn tĩnh điện. Các nhà cung ứng từ Nhật Bản cũng vào Việt Nam như Denso, Toyota Boshoku, Toyoda Gosei.
Đến nay, danh sách các nhà cung cấp của Toyota là 58, trong đó có 12 nhà cung cấp Việt Nam. Tổng số linh kiện nội địa hóa là gần 1.000.
Việc lắp ráp bộ đôi Veloz và Avanza còn giúp hãng tận dụng tối đa công suất nhà máy ở Vĩnh Phúc, khi mà Altis, Camry đã chuyển sang nhập khẩu. Hãng hiện lắp Vios, Fortuner và Innova.
Mỹ Anh