Cái tên đầu tiên xuất hiện tại thị trường xe Việt ở phân khúc gầm cao không phải Toyota Fortuner hay Ford Everest mà chính là Hyundai Santa Fe. Lúc ấy, khái niệm SUV vẫn chỉ đơn thuần là các mẫu xe khung gầm rời. Santa Fe với khung liền là crossover, một kiểu xe khác, nhưng có nhiều công năng tương tự.
Năm 2002, Santa Fe nhập khẩu nguyên chiếc với nhiều trang bị, nhưng kiểu dáng cục mịch. Santa Fe chỉ tạo ra được sức hút khi về bản mới vào cuối 2006. Vào 2003, một mẫu xe SUV đúng nghĩa của thương hiệu Isuzu ra đời, đó là Hi Lander. Chiếc SUV Nhật lúc ấy nổi lên như một hiện tượng khi có tùy chọn 2 cầu số sàn và động cơ dầu phù hợp với nhiều nhóm khách hàng.
>> Bình chọn Ôtô của năm phân khúc gầm cao cỡ D
Tuy nhiên, chậm nâng cấp công nghệ, kiểu dáng tụt hậu khiến Hi Lander bị khai tử vào 2010. Trước đó, Everest và Fortuner đã xuất hiện từ 2005-2006. Khoảng thời gian này, hai mẫu xe đến từ Mỹ và Nhật là một ưu tiên lựa chọn khi nhắc đến những chiếc xe 7 chỗ gầm cao 2 cầu.
Năm 2009, Kia Sorento xuất hiện. Một chiếc crossover khác tương tự như Santa Fe. Kết quả kinh doanh của mẫu xe Kia cũng không khác gì cái tên đồng hương, đều không "nhằm nhò" gì so với những chiếc SUV thực thụ.
Năm 2011, đến lượt Mitsubishi Pajero Sport tham gia thị trường. Mang nhiều ưu điểm về động cơ như bền bỉ, lành tính, nhưng mẫu xe Nhật không có thiết kế bắt mắt người dùng. Doanh số vì thế cũng ở đoạn dưới. Từ 2018, Pajero Sport có thiết kế mới, nhờ đó doanh số cũng cải thiện.
Năm 2012, Mazda CX-9 có mặt trên thị trường với kiểu dáng lạ và nhiều trang bị nhưng cũng chính kiểu dáng này kiến CX-9 chết yểu tại Việt Nam. Mẫu xe của Mazda khá mượt mà nhưng lại cho cảm giác là mẫu crossover phóng to, giống MPV, không có nét hầm hố, vạm vỡ của SUV.
Đó cũng là lý do khiến Fortuner và Everest thống trị phân khúc này trong suốt khoảng thời gian 2005-2012. Sau 2013, Fortuner độc chiếm phân khúc này với doanh số vượt trội các đối thủ. Thậm chí Fortuner nhiều khi trở thành xe bán chạy nhất thị trường, là lựa chọn của cả gia đình và người chạy dịch vụ.
Đến 2016, Isuzu quay lại thị trường với mẫu mu-X. Sau đó một năm, Chevrolet Trailblazer cũng chào sân. Đây là hai mẫu xe chia sẻ chung nền tảng, và cả hai đều chỉ là một làn gió nhẹ, không để lại nhiều ấn tượng. Trailblazer đã dừng bán do chính sách từ Chevrolet rút khỏi thị trường Đông Nam Á, trong khi đó mu-X chỉ bán bình quân 10 xe/tháng.
Năm 2018 chứng kiến ba mẫu xe mới ở phân khúc này, gồm Mazda CX-8, Pegeot 5008 (cùng của Thaco) và Nissan Terra. CX-8 cũng nhắm đến nhóm khách hàng giống như Sorento và Santa Fe, trong khi Terra cạnh tranh trực tiếp với Fortuner và Pajero Sport. Peugeot 5008 hướng đến khách hàng tìm đến một mẫu xe độc lạ trong phân khúc này.
Cũng từ năm này, doanh số xe gầm cao 7 chỗ dần xoay chiều. SUV thực thụ dần thất thế và crossover lên ngôi. Những Santa Fe, Sorento, CX-8 được gọi dưới cái tên marketing "SUV đô thị" để lấy lòng khách hàng. Ưu điểm chung của những mẫu xe này là vẫn rộng rãi, nhẹ nhàng, nhiều tính năng chứ không thô cứng. Ở chiều ngược lại, Fortuner, Everest, Pajero Sport vẫn là lựa chọn của những khách hàng cần di chuyển nhiều, đa dạng địa hình chứ không chỉ quanh quẩn thành phố.
Trong năm 2021, sau 11 tháng, Santa Fe hiện là mẫu SUV/crossover bán chạy nhất thị trường với 10.082 xe bán ra, xếp thứ hai là Fortuner với 5.050 xe.
Đoàn Dũng