Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chỉ thật sự ló dạng từ 1990 trở đi. Khi Chính phủ cấp phép hoạt động cho các liên doanh ôtô và các hãng xe nước ngoài, thị trường ôtô khi đó bắt đầu thành hình cũng như đón chào sự xuất hiện của nhiều dòng ôtô mới.
Ở phân khúc xe cỡ nhỏ, giá phổ thông cho người mới mua lần đầu, thập niên 1990 đến năm 2000 chứng kiến sự đổ bộ của các mẫu xe Hàn Quốc. Kia Pride, Daewoo Lanos quen thuộc với nhiều người Việt thời điểm đó.
Đến 2003, Toyota ra mắt chiếc sedan cỡ B Vios lắp ráp trong nước. Đây cũng là năm chiếc Lanos đạt doanh số đỉnh lên đến hơn 2.000 chiếc nhưng sau đó, cuộc chơi đã được định hình lại bởi sản phẩm của Toyota.
>> Bình chọn giải thưởng Xe của năm 2021
Toyota Vios - năm 2003
Vios được Toyota định hướng phát triển dành cho khách hàng phổ thông ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ 2002. Thế hệ đầu tiên của Vios mang mã XP40, sản xuất tại nhà máy của hãng ở Thái Lan, một phần trong dự án hợp tác của các kỹ sư người bản địa và đội ngũ thiết kế Toyota.
Nhận thấy tiềm năng nhóm xe dành cho người mua lần đầu chưa được khai phá nhiều ở Việt Nam, liên doanh Nhật giới thiệu Vios vào 2003. Phân khúc khi đó chỉ có Lanos tạo được tiếng tăm.
Vios được Toyota đặt tên với hàm ý "tiến lên" và từ khi được giới thiệu đến 2020, mẫu xe này đi một mạch từ vị thế tân binh lên ngôi vua phân khúc. Hơn 10 năm qua, không một mẫu xe nào trên thị trường soán được danh hiệu xe bán chạy nhất thị trường của Vios. Mẫu xe của Toyota được ví như một học sinh bình thường nhưng luôn đứng hạng nhất.
Hyundai Accent - năm 2010
Sự có mặt của Vios khiến sự chú ý của khách hàng gần như đổ dồn về mẫu xe Nhật. Daewoo Lanos dần mất chỗ đứng và cũng nằm trong sự thoái trào chung của xe Hàn Quốc tại Việt Nam.
Hyundai Accent thế chỗ Lanos, xuất hiện tại thị trường trong nước dưới dạng xe nhập khẩu CBU vào 2008, khi đó còn sử dụng cái tên Verna. Hai năm sau, vào 2010, nhà phân phối Thành Công bắt đầu dùng tên Accent và duy trì từ đó đến nay.
Accent vào Việt Nam khi Vios đã là một thế lực. Tạo dựng phong cách trẻ trung, nhiều tiện nghi là cách mẫu sedan của Hyundai tìm cách tiếp cận người dùng. Tuy vậy, cạnh tranh sòng phẳng với Vios vẫn là bài toán nan giải cho Accent cho đến 2018.
Hyundai Thành Công đưa về lắp ráp Accent trong nước thay vì nhập khẩu như trước đó. Dù doanh số chưa thể sánh ngang đối thủ Nhật nhưng mẫu xe của Hyundai là cái tên chủ lực khiến cán cân doanh số sedan cỡ B không quá nghiêng hẳn về Vios.
Mazda2 - năm 2011
5 năm sau khi chấm dứt hợp tác với Liên doanh ôtô Hoà Bình (VMC), Mazda trở lại thị trường Việt Nam bằng việc bắt tay với Trường Hải vào 2010. Mazda2 được chọn là mẫu xe thương mại được hãng và đối tác lắp ráp đầu tiên ở Việt Nam.
Mazda2 bán lần đầu tiên cho khách Việt có có cấu hình hatchback 5 cửa. Đến 2015, biến thể sedan mới được hãng tung ra thị trường khi nhu cầu sở hữu xe giá rẻ ngày càng tăng cao. So với Vios, Mazda2 với triết lý thiết kế "zoom zoom" hay Kodo sau này đều trẻ hơn hẳn đối thủ đồng hương, nhưng không nhanh đổi dáng như Accent mà vẫn có chất bảo thủ đặc trưng xe Nhật.
Sự góp mặt của Mazda2 khiến phân khúc có thêm lựa chọn và tính cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh số của mẫu xe này chưa bao giờ là đối trọng của những Vios, Accent hay City. Từ 2018, Thaco chuyển sang nhập khẩu Mazda2 từ Thái Lan thay vì lắp ráp trong nước như trước đó.
Kia Rio - năm 2012
Tháng 9/2019, Trường Hải giới thiệu chiếc Kia Soluto lắp ráp trong nước. Soluto khi đó là một cái tên mới toanh trên thị trường nhưng thực tế, nó là sự tiếp nối của đàn anh Rio từng được hãng này nhập Hàn Quốc về phân phối vào 2012.
Nhóm sedan cỡ B vốn bị lấn át bởi cái bóng của Vios. Rio nhập khẩu hay mẫu xe cùng thuộc mái nhà Trường Hải là Mazda2, đều không tạo được dấn ấn đặc biệt nào. Cái tên Rio dần chìm vào quên lãng.
Honda City, Nissan Sunny - năm 2013
Gia nhập phân khúc sedan cỡ B vào 2013 có hai cái tên: Honda City và Nissan Sunny. Trong khi mẫu xe của Honda thường xuyên góp mặt trong nhóm đầu bán chạy nhất, Sunny chìm nghỉm.
Với City, khi Hyundai công bố số liệu bán hàng từ 2018, doanh số mẫu xe này thường trực ở vị trí thứ 3 sau Vios, Accent. Thiết kế trẻ trung và thiên hướng thể thao nhất so với các đối thủ nhưng ít phiên bản lựa chọn, giá đắt hàng đầu phân khúc khiến doanh số City chưa thể bứt phá.
Mitsubishi Attrage - năm 2014
Tiếp nối Honda và Nissan, thương hiệu Nhật Mitsubishi cũng tham chiến phân khúc sedan cỡ B bằng Attrage vào 2014. Mẫu xe của Mitsubishi tương tự Kia Soluto, kích thước ở nhóm B-.
Khác với hầu hết các đối thủ đều lắp ráp trong nước, Attrage là mẫu xe thuần nhập khẩu từ Thái Lan. Phom dáng nhỏ gọn, tiết kiệm nhiên liệu là những điểm mạnh của mẫu xe này. Tuy vậy, doanh số của Attrage thuộc nhóm bán chậm. Năm 2020, với ngôn ngữ thiết kế mới, nhiều trang bị hơn, lượng bán của Mitsubishi Attrage có phần khởi sắc.
Suzuki Ciaz - năm 2016
Ciaz là mẫu sedan duy nhất của Suzuki phân phối chính hãng tại Việt Nam. Mẫu sedan cỡ B lần đầu bán cho khách Việt vào 2016 bằng hình thức nhập khẩu Thái Lan.
Suzuki Ciaz được đánh giá là mẫu sedan có không gian rộng rãi hàng đầu phân khúc, vận hành ổn định. Tuy nhiên với nhược điểm giá cao giai đoạn đầu mở bán, phụ tùng, phụ kiện chờ lâu, cộng thêm khâu marketing yếu khiến mẫu xe của Suzuki thường xuyên trong nhóm xe bán chậm nhất.
Hồi 10/11, Suzuki Việt Nam thông báo tạm ngưng phân phối Ciaz một thời gian để nhập khẩu bản mới đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5. Hãng không phản hồi về thông tin tạm ngừng tới bao giờ.
Kia Soluto - năm 2019
Sự trở lại của Rio với hình hài mới mang tên Kia Soluto vào 2019 đi cùng nhiều tham vọng của Thaco. Mẫu xe Hàn, tương tự Mitsubishi Attrage, là một chiếc sedan cỡ B-, tức kích thước nhỏ hơn Vios, Accent.
Dù đi kèm mức giá vào hàng rẻ nhất phân khúc, doanh số Soluto đến nay vẫn chưa thể chen chân vào top đầu.
Nissan Almera - năm 2021
Vào cuối 2018, khi quan hệ hợp tác giữa nhà phân phối Tan Chong và tập đoàn Nissan dần đi đến hồi kết, những mẫu xe của hãng Nhật như Terra, Sunny, Navara, X-Trail bán chậm rãi ở đại lý với mục tiêu giải phóng hết hàng tồn.
Công ty VAD thay Tanchong, bán trở lại Sunny từ tháng 8/2021 nhưng lấy tên Almera và chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu Thái Lan. Hãng không công bố số liệu bán hàng của Almera.
Thành Nhạn