Ngày 6/1/2021, Kamala Harris, khi đó là phó tổng thống đắc cử, ngồi trên xe cách một quả bom ống bỏ lại bên ngoài trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) vài mét. Harris sau đó làm việc trong tòa nhà gần hai tiếng trước khi lực lượng chức năng phát hiện quả bom, CNN đưa tin ngày 31/1.
Các nguồn tin cho biết Harris "tới trụ sở DNC ở thủ đô Washington vào khoảng 11h30 ngày 6/1/2021, đoàn xe của bà đi qua nhà để xe gần nơi lực lượng thực thi pháp luật phát hiện ra quả bom ống".
Tài liệu của cảnh sát quốc hội Mỹ cho biết "một yếu nhân được đưa ra khỏi tòa nhà DNC vào khoảng 13h14 ngày 6/1/2021, 7 phút sau khi cảnh sát quốc hội Mỹ bắt đầu điều tra quả bom".
Tờ Politico sau đó tiết lộ yếu nhân này là Harris, song không cho biết thời gian bà làm việc trong tòa nhà.
Một nguồn tin từ lực lượng thực thi pháp luật cho biết các mật vụ Mỹ "rà quét trong tòa nhà, đường, sàn đỗ xe và các lối ra vào trước khi Harris đến", sau đó sơ tán phó tổng thống đắc cử bằng một tuyến đường dự phòng để tránh bom.
Nhà Trắng và Văn phòng Phó tổng thống Mỹ chưa bình luận về thông tin của CNN. Một phát ngôn Sở Mật vụ Mỹ cho biết họ không bình luận về cách bố trí lực lượng bảo vệ yếu nhân để duy trì an toàn của nhiệm vụ.
Cùng ngày, lực lượng chức năng phát hiện một quả bom ống khác gần trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa. Hơn một năm sau, giới chức Mỹ chưa công bố tên hoặc bắt nghi phạm thực hiện các vụ đặt bom nói trên.
Hơn 700 người bị buộc tội liên quan đến vụ bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021. Người biểu tình quá khích tràn vào khuôn viên tòa nhà quốc hội Mỹ sau khi Donald Trump, khi đó giữ chức tổng thống Mỹ, kêu gọi họ "chiến đấu quên mình".
Trump nhiều lần cho rằng Joe Biden chiến thắng bầu cử tổng thống Mỹ 2020 "nhờ gian lận", song điều này được chứng minh là không đúng. 7 người chết và hơn 100 cảnh sát bị thương trong vụ bạo loạn hồi tháng 1/2021.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)