Sở GTVT vừa đề xuất UBND TP.HCM đầu tư 250 tỷ đồng ngân sách xây 34 cổng thu phí ôtô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc. Các trạm thu phí dự kiến được xây tại quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10. Thu phí chỉ áp dụng với ôtô vào trung tâm trong giờ cao điểm, không thu chiều ra, không thu phí xe máy.
Lúc xe vào trung tâm giờ cao điểm, hệ thống sẽ trừ tiền trong tài khoản. Ôtô con phải đóng 40.000 đồng/lượt, ôtô khách là 50.000 đồng/lượt, taxi là 30.000 đồng/lượt. Xe biển xanh vào trung tâm vẫn phải nộp phí. Không thu phí với xe buýt. Giảm 25% đối với taxi, xe đăng ký trong khu vực trung tâm.
Theo tính toán trong đề án, năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ôtô vào khu vực trung tâm giờ cao điểm sẽ giảm tới 49%, nhường đường cho xe buýt tăng từ 9% lên 15%.
Cải thiện hạ tầng giao thông đòi hỏi nhiều thời gian. Xây dựng công trình khu vực trung tâm là hết sức nan giải, trước mắt giảm kẹt xe bằng giải pháp phi công trình khả thi hơn.
Phương tiện công cộng không thể giảm mà còn phải tạo điều kiện đầu tư, phát triển càng nhanh càng tốt. Chỉ có thể hạn chế phương tiện cá nhân, đó là ôtô và xe máy. Trong điều kiện hiện nay, chưa thể hạn chế xe máy vì ảnh hưởng số đông và chưa có phương tiện phù hợp thay thế, chỉ có thể hạn chế ô tô không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. Đặc biệt, nguyên nhân gây ra kẹt xe, thời gian qua đã tăng quá mức lượng ô tô.
Thực trạng xe buýt đang phải cạnh tranh với phương tiện cá nhân nên không thể di chuyển nhanh trong giờ cao điểm. Quá tải phương tiện cá nhân không chỉ là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, mà còn cản trở phát triển giao thông công cộng như xe buýt. Không phải bây giờ, mà từ năm 2002, TP.HCM đã đặt mục tiêu phát triển phương tiện công cộng đến năm 2020 sẽ đáp ứng 50% nhu cầu đi lại cho người dân. Nhiều năm liên tục, chính quyền thành phố đã đầu tư mua mới hàng loạt xe buýt và chi một khoản tiền không nhỏ để trợ giá, song thực tế người dân đến với xe buýt khá ít, đến nay chưa đáp ứng 10% nhu cầu.
Mới đây, nhiều đơn vị hoạt động xe buýt xin dừng, cắt giảm tuyến vì kinh doanh lỗ. Cụ thể, nhiều tuyến xe buýt càng chạy càng lỗ, có thể sớm ngưng như số 6, 14, 47, 56, 66, 94, 145... Đồng thời giảm chuyến các tuyến số 13, 15, 16, 48, 57, 61, 73, 144, 151.
Cải thiện giao thông hiện nay, tạo điều kiện phát triển giao thông công cộng như xe buýt, hạn chế ôtô sẽ khả thi hơn, thu phí là một giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, cách thức tổ chức thực hiện và cần biện pháp lường trước các trường hợp bất cập mới có hiệu quả.
Như hướng vào thành phố có nhiều ngõ, sao cho tránh tình trạng chủ phương tiện né thu phí tìm cách đi đường khác, lúc đó nhiều phương tiện đổ dồn về một nơi gây ra kẹt xe.
Hay như cá nhân sử dụng ô tô, số tiền 40.000 đồng/lượt - 50.000/lượt ra vào khu vực trung tâm còn quá ít, phần lớn có thể chấp nhận trả phí. Cần tăng thu phí ít nhất 150.000 đồng/lượt - 200.000 đồng/lượt khi ra vào, lúc đó chủ sử dụng phương tiện sẽ cân nhắc.
Taxi, Grab cũng không loạt trừ khả năng dừng trong khu vực trung tâm hay phân chia địa bàn với nhau, chạy vòng trong vòng ngoài đón khách vì thế nên tăng phí đậu xe giữ xe trong trung tâm.
Quan trọng nhất với giải pháp thu phí ô tô, hãy quyết tâm phát triển giao thông công cộng. Lúc giảm ôtô, mặt đường sẽ thông thoáng hơn, ưu tiên cho xe buýt có làn riêng để lưu thông nhanh, khuyến khích đầu tư loại hình giao thông công cộng. Làn đường riêng dù trống cũng không cho xe máy lưu thông để loại trừ khả năng phát triển quá mức loại phương tiện cá nhân này không được khuyến khích, càng thu hút hành khách đi xe buýt.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.