Với các tác phẩm nghệ thuật như tranh, ảnh, phim, truyện, sân khấu, ca nhạc,... luôn có hai luồng ý kiến đánh giá. Luồng thứ nhất từ các chuyên gia, các nhà phê bình chuyên nghiệp. Những người này thường chỉ phê bình tác phẩm ở góc độ nghệ thuật. Luồng ý kiến thứ hai đến từ phía khán giả - những người không am hiểu chuyên môn nên chỉ đánh giá ở những góc độ phi nghệ thuật như tính logic, nội dung có phù hợp với văn hóa, đạo đức xã hội hoặc lịch sử, có tính nhân văn hay không...?
Hai luồng đánh giá này khác nhau hoàn toàn. Vậy nên có rất nhiều bộ phim đoạt dăm bảy giải Oscar (của các nhà phê bình chuyên nghiệp) nhưng đồng thời cũng bị đưa vào danh sách đề cử giải Mâm Xôi Vàng (của khán giả). Từ đó cho thấy, khán giả cũng có góc nhìn riêng và cách đánh giá riêng. Không có nhà phê bình nghệ thuật chuyên nghiệp nào có thể hiểu một cách sâu sắc mọi ngành nghề trong xã hội bằng khán giả, những người trực tiếp "hành" đủ thứ nghề.
Anh làm phim về nghề y nhưng khán giả đang hành nghề bác sĩ hay y tá lại thấy ông bác sĩ, cô y tá trong phim hơi bị giả tạo so với ngoài đời. Hoặc, nhân vật trong truyện có thể chọn cách giải quyết tình huống ôn hòa nhưng anh ta cứ thích chọn phương pháp bạo lực trong khi ngoài đời bạo lực thường đi kèm với tù tội, với đạo đức xã hội thấp kém.
>> 'Thà hy sinh nghệ thuật còn hơn đánh mất văn hóa'
Nhiều khán giả Việt dễ dãi vì họ không biết cách phê bình. Phê bình giúp cho nghệ thuật được nâng cao hơn, tác phẩm sau không lặp lại sai sót của tác phẩm trước. Không phê bình khiến người làm nghệ thuật ngộ nhận rằng thế là đủ, không cần phải đầu tư nhiều chất xám hơn nữa. Nghệ thuật kém mà vẫn khen, vẫn vỗ tay thì nghệ thuật sẽ càng kém hơn nữa. Người làm nghệ thuật thay vì bỏ cả năm hoặc nhiều năm ra sác tác, biên tập, chỉnh lý, tập luyện, chuẩn bị....thì họ chỉ mất vài ngày sáng tác, tập luyện sơ sài (nhiều khi khỏi tập, biểu diễn ngẫu hứng luôn – ta hay gọi là cương ẩu) và bỏ qua những mặt khác. Sự dễ dãi của khán giả Việt Nam cho thấy họ lười suy nghĩ.
Hài có nhiều kiểu hài. Hài bằng lời nói là dễ nhất và hài bằng động tác là khó nhất. Anh hề trong rạp xiếc chính là hài bằng động tác. Vua hề Sác lô, Mr Bean hay phim "Đến thượng đế cũng phải cười",... cũng đều là hài bằng động tác. Để có được những tác phẩm hài như vậy, người ta phải chuẩn bị rất lâu. Từ hài bằng động tác dẫn đến hài theo tình huống. Tình huống tưởng chừng như không hài hước nhưng lại có thể gây cười mới làm người xem bất ngờ mà bật cười.
Còn hài bằng lời nói gây cười ở cấp độ cao nhất là những câu đối đáp tỉnh bơ nhưng thâm sâu và hóm hỉnh. Kiểu này thường gặp rất nhiều trong phim Mỹ nhưng rất ít người Việt cười, vì cơ bản chúng ta chưa kịp "tiêu hóa" nội dung của lời thoại.
>> Video nhảm 'câu view' lên ngôi vì người xem ngày càng dễ dãi
Khán giả dễ dãi khiến người làm nghệ thuật cũng dễ dãi. Một người quay phim phải có kinh nghiệm nhiều năm hành nghề mới chọn được góc quay tốt nhất. Phim Việt đa phần chỉ chiếu khuôn mặt, ít lo chọn góc quay. Những cảnh phim võ thuật của ta, không hề thua kém phim Hong Kong, Trung Quốc nhưng do góc quay quá tệ nên nhìn không đẹp mắt. Diễn viên đóng thế của họ gần như hoàn toàn không biết võ, bởi vậy, phim nước ngoài mới đầy những cảnh bay lượn, đấm đá cận cảnh, giao chiến cả buổi không ai bị thương. Dùng binh khí không phải để chém nhau mà để chém binh khí của đối phương. Phim ta thì ngược lại, những cảnh đánh võ của ta "chất" hơn nhiều, người xem mà biết võ cũng phải thót tim với những thế võ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, góc quay không tốt khiến phim Việt vẫn bị chê.
Nghệ thuật bao giờ cũng phải vì thị trường, phải dựa vào thị hiếu của người xem vì người xem trả tiền cho họ sáng tác. Khán giả Việt Nam còn chưa tỏ ra mình là "thượng đế" chưa có suy nghĩ "mình bỏ tiền ra xem thì mình phải có quyền đòi hỏi". Ngay cả với phim online và phim truyền hình.
Tóm lại, chỉ khi nào khán giả Việt ý thức được mình là "thượng đế" thì chất lượng nghệ thuật mới có thể nâng tầm lên được. Nếu khán giả có hiểu biết thì nghệ thuật càng phải nâng cao hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu của người xem. Từ đó mới có hy vọng xuất khẩu được văn hóa nghệ thuật nước nhà.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.