Đánh giá về thực trạng "Giới trẻ Hàn Quốc chìm trong nợ nần" vì thẻ tín dụng, nhiều độc giả VnExpress chỉ ra những góc khuất của phương thức thanh toán này:
Thẻ tín dụng là con dao hai lưỡi, một khi đã vung tay chi tiêu không kiểm soát là nợ không thể nào trả. Nó cũng phần nào phơi bày thực trạng muốn khoe khoang tại nhiều quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam... Thanh niên các nước này muốn chứng tỏ mình không thua kém bạn bè đồng trang lứa, muốn khoe là mình có của, rất đáng báo động. Hãy học hỏi thanh niên châu Âu sống khiêm tốn. Người châu Á hay chạy theo những smartphone, ôtô, xe máy hiện đại nhất.
Thẻ tín dụng theo quảng cáo thì rất nhiều ưu đãi và thuận tiện, nhất là tính năng "cash back" (hoàn lại tiền một ít phần trăm nếu tiêu đủ hạn mức quy định). Tất cả các ưu đãi nghe rất hấp dẫn và thậm chí là hời cho người dùng. Nhưng về bản chất thì ít người nhận ra, đó là hình thức ép người dùng phải tiêu tiền nhiều hơn để hưởng ưu đãi, mặc dù không cần thiết phải tiêu nhiều như thế. Dĩ nhiên, tiêu hay không thì vẫn là quyền của người dùng. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, nên dùng tiền mặt nhiều nhất có thể, nếu số tiền quá lớn thì mới cần dùng thẻ tín dụng hoặc các hình thức thanh toán khác như đá quý, tiền điện tử...
Dùng thẻ không có cảm giác mình mất tiền, trong khi cầm tiền giấy tiêu đồng nào biết đồng đó. Nên cứ nghe các nhân viên ngân hàng tư vấn mở thẻ tín dụng được ghi nợ là tôi nhất quyết không làm vì tóm lại nợ thì mình vẫn phải trả, cứ làm đồng nào tiêu đồng đấy cho an yên.
Trong khi đó, không ít ý kiến lại có cái nhìn khác về thẻ tín dụng, đồng thời nhấn mạnh vấn đề nằm ở chính thói quen chi tiêu của người dùng:
Do suy nghĩ và thói quen thôi. Tôi có hai thẻ nhưng chỉ dùng thẻ tín dụng thanh toán online và những chỗ không quen vì an toàn hơn. Khi nào không nhận credit mới dùng debit. Tôi vẫn ý thức đó là tiền, mỗi tháng tự động thanh khoản. Gần mười năm rồi, hầu như tôi không dùng tiền mặt. Cảm thấy dùng thẻ dễ quản lý hơn vì các khoản thu chi được lưu rõ ràng. Dùng tiền mặt lại hay phóng tay vì không nhớ dùng bao nhiêu, khoản nào? Cũng không thể đi vài bước rút sổ ra ghi lại được, lại thêm tiền lẻ choán chỗ, mất công đếm đi đếm lại đủ thứ.
Biết cách sử dụng và sử dụng hợp lý thì mọi thứ đều tốt cả. Đừng đổ lỗi cho thẻ tín dụng hay bất cứ thứ gì vì dù sao nó cũng chỉ là phương tiện và con người mới chính là người sử dụng phương tiện đó.
Bản thân thẻ tín dụng (credit card) tính ra có nhiều ưu đãi hơn thẻ ghi nợ (debit card), nếu biết cách dùng sẽ tiết kiệm được nhiều hơn. Nhưng với điều kiện người dùng phải... thông mình hơn cái "thẻ". Nhắm mà kiểm soát được sự tiêu xài của bản thân thì hãy làm credit card, không thì xài debit cho lành.
Đánh giá về hai mặt của thẻ tín dụng, độc giả Andy nhận định:
"Thẻ tín dụng giống như món cá nóc vậy, làm cẩn thận thì ăn ngon, còn không thì toi mạng. Thẻ tín dụng nếu coi như tiền mặt, chi tiêu cẩn trọng có kiểm soát thì nó trở thành công cụ thanh toán tiện lợi. Trả nợ thẻ đầy đủ đúng hạn giúp tăng điểm tín dụng, sau này vay ngân hàng dễ hơn với lãi suất thấp. Còn nếu dùng thẻ chi tiêu vô tội vạ thì khỏi nói, rất thê thảm.
Các hình thức thanh toán mới ngoài tiền mặt đang dần phát triển và thay thể cho tiền mặt. Tập thói quen coi tiền mặt không phải chỉ là nắm giấy polymer trong bóp mà còn là những con số trong tài khoản nữa. Chịu khó ghi lại chi tiết các giao dịch, nhiều app trên mobile hỗ trợ việc này rất tốt. Khi kiểm soát được tiền của mình trong mọi hình thức từ tiền giấy đến tiền trong tài khoản thì cảm giác tiêu tiền từ thẻ tín dụng sẽ khác đi, lúc đó rất cẩn thận, không bị vướng vào vòng xoáy chi tiêu".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.