Sự nghiệp đào tạo của tôi bắt đầu khi tôi là một kỹ sư trẻ của một doanh nghiệp sản xuất ở Bình Dương. Vì từ Hà Nội vào, nên công ty sắp xếp cho một chỗ ở tại công ty. Nhờ đó, ngoài thời gian nghỉ ngơi, tôi đều tiếp xúc với anh chị em trong công ty.
Trình độ của công nhân và nhân viên ở đó thấp, nên lúc rảnh rỗi tôi có chỉ dạy cho họ chút ít về kỹ thuật, lập trình. Tôi còn dạy cả viết chữ cho những cô tạp vụ ở đó nữa. Dần dần, tôi nhận ra niềm hạnh phúc khi giúp đỡ người khác trở nên hiểu biết và tự chủ hơn.
Sau gần một năm làm kỹ sư, tôi quyết định chuyển hướng nghiên cứu giáo dục.
Sau hàng chục năm, tôi đã dạy rất nhiều nhóm người. Sinh viên có, học sinh có, thiếu nhi có, người trưởng thành có, người già có, doanh nhân có, lao động phổ thông có, và người nước ngoài cũng có. Tôi cũng dạy nhiều thứ, nhưng thường là thứ mà tôi thấy rõ rằng đó là thứ tốt nhất mà họ nên có.
Sau mươi năm như vậy, bè bạn và học trò khuyên tôi nên xưng là thầy. Ban đầu tôi cũng không nhận, vì thấy rằng mình vẫn chưa đủ tận tâm, tận tụy để được gọi là thầy. Nhưng đâu đó, áp lực của thị trường cũng góp một phần nào đó để tôi quyết định tự nhận mình là thầy.
>> Cô giáo trốn chạy khỏi phong bì ngày 20/11
Chữ thầy rất nặng, và tôi đã phải rất nỗ lực tu tâm sửa tính nơi mình để trở nên mẫu mực hơn. Tôi cũng phải nỗ lực để nới rộng lòng bao dung, sự quan tâm, sự thấu hiểu và sự khách quan sáng suốt. Dần dần, tôi nhận ra rằng chính việc làm thầy lại giúp tôi nhanh chóng rèn giũa và hoàn thiện mình nhanh nhất. Tôi trở thành một người thầy được phần lớn học trò kính trọng, nể phục.
Duy có một vấn đề, là càng khắt khe với danh người thầy, thì tôi cũng càng khắt khe với người trò. Đến nay, dù hàng ngàn người vẫn gọi tôi là thầy, mong muốn được gọi tôi là thầy, thì tôi lại không muốn là thầy của họ nữa. "Là thầy của những người học trò chẳng ra học trò thì có đáng không?" - tôi thường tự hỏi mình như vậy. Đến thời điểm này, tôi không muốn được nhìn nhận như một người thầy nữa. Tôi muốn các mối quan hệ đó chỉ như là bạn bè.
Có một cảm giác rất miễn cưỡng khi ai đó gọi tôi là thầy, nhưng họ chỉ muốn tranh thủ hỏi tôi vài điều, hoặc nhặt nhạnh từ tôi chút hiểu biết. Trong tâm trí họ, mối quan hệ thầy - trò chỉ là mối quan hệ mua - bán kiến thức, trải nghiệm hoặc danh dự mà thôi. Tiền bạc của họ đổi lấy lời khuyên của tôi, sự "kính nể" nơi họ đổi lấy sự "bao dung" từ tôi. Sau những trao đổi ấy, họ coi tôi như người dưng, mặc dù tôi vẫn dõi theo và vun vén cho nhân cách hay tư cách trong suốt cuộc sống của họ.
>> 'Phụ huynh hành xử mâu thuẫn tạo văn hóa phong bì'
Trong nhận thức của tôi, thì đạo thầy trò trong xã hội chúng ta dường như đã không còn trọn vẹn, không còn chân thật nữa rồi.
Tôi không nhìn nhận mình như là một người thầy nữa, nhưng đạo làm thầy vẫn tồn tại trong tôi. Bởi vậy, dù nhiều khi phải hành xử với người khác như là lãnh đạo với nhân viên, hay như là ông chủ với kẻ phục vụ, thì tôi vẫn gắng vun vén cho họ chút phẩm chất, chút hiểu biết. Dù vậy tôi chẳng kỳ vọng họ biết hành xử như một người trò, tôi cũng không muốn họ cố tỏ ra như một người trò khi mà họ không hiểu đạo của người học.
Hai mươi năm nay, tôi chưa bao giờ nhận một món quà nào vào ngày 20/11, và sẽ không nhận một món quà nào vào ngày này. Có lẽ, chúng ta cần có một ngày khác để nhắc nhở con người về đạo làm trò. Bởi có trò rồi thì mới có thầy vậy.
The Cong
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.