Sau bài viết Ai cũng muốn con học ở trường 'không phong bì', độc giả Nghịch Lý cho rằng: "Môi trường có phong bì chính là do các vị phụ huynh tạo nên. Họ tự chạy đua với nhau để giành giật cái mà họ gọi là "ưu tiên" về cho con mình. Trước mặt thì tỏ ra xởi lởi với thầy cô nhưng sau lưng thì dè bỉu nói xấu, phong bì mà không nhận cũng nói.
Riêng tôi, 12 năm cấp ba của đứa lớn và 3 năm cấp một của đứa nhỏ không hề có phong bì và học thêm. Tôi luôn tôn trọng tất cả các giáo viên mà các con từng học qua, gặp đâu chào đó dù các thầy cô ấy chắc chắn không biết tôi là ai.
Tôi không cần bất cứ sự ưu tiên nào cho con. Nhưng nếu con tôi bị đối xử phân biệt vì không phong bì, không học thêm thì tôi sẽ làm cho ra lẽ. Có đôi lúc tôi nghĩ giáo viên nhận phong bì của các vị cũng chỉ vì ngại chứ chẳng sung sướng gì. Trả lại thì sợ tự ái, giận rồi lại đi nói xấu này nọ có khi còn khổ hơn".
>> 'Không thể viện cớ lương thấp để xí xóa chuyện phong bì'
Đồng quan điểm, độc giả Minh có ý kiến như sau: "Hiện nay chúng ta rất mâu thuẫn. Một bên thì chỉ trích ngành giáo dục là chạy theo bệnh thành tích nên lúc nào cũng nâng điểm để nhiều em học sinh khá, giỏi để lớp, trường đạt thành tích cao, hay có tình trạng ngồi nhầm lớp (cứ cho lên lớp kể cả đối với các em không đủ kiến thức).
Nhưng ngược lại thì lúc nào cũng có tư tưởng sợ thầy, cô trù dập con mình dẫn đến không được điểm cao, không đạt học sinh khá, giỏi nếu không đi học thêm, nếu không quà cáp cho thầy cô giáo.
Tóm lại là cũng do chính phụ huynh cứ sân si không muốn con mình thua kém con người khác khi so sánh với các trường hợp có quan tâm đến thầy, cô. Nếu phụ huynh đừng áp lực cho chính mình là con phải là học sinh giỏi (có khi thành tích ảo), mà chỉ cần có kiến thức và lên lớp bình thường thì đâu có chuyện là phải ép con đi học thêm, đâu có chuyện là chương trình quá nặng (vì con đã học ở trường rồi lại phải học thêm), đâu cần phải sợ trù dập (vì nếu cho ở lại lớp thì nhà trường và thầy cô đâu có thành tích thi đua)".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.