Đây là một trong 7 khuyến nghị được WHO đưa ra ngày 11/5, về việc phòng chống Covid-19 trong tình hình mới, sau kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế. Theo đó, WHO cho rằng cần chuyển đổi sang quản lý dài hạn hơn đối với Covid-19 thay vì ứng phó khẩn cấp, tiêm vaccine phòng bệnh là một biện pháp.
Hiện nay Việt Nam tiêm vaccine Covid-19 miễn phí cho người từ 5 tuổi trở lên, tập trung tiêm bổ sung mũi 3-4, tiêm nhắc lại cho người thuộc nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch). Thời gian tới, không tổ chức tiêm vaccine Covid-19 liên tục thường xuyên như trước đây mà lồng ghép vào công tác tiêm chủng mở rộng, mỗi trạm y tế tổ chức 3-4 buổi tiêm một tháng.
Ngoài ra, WHO đề nghị các nước tiếp tục dỡ bỏ biện pháp y tế do dịch bệnh liên quan du lịch quốc tế, nhưng vẫn chuẩn bị các biện pháp ứng phó như vaccine, công cụ chẩn đoán và điều trị, lộ trình chăm sóc lâm sàng, sẵn sàng cho tình huống dịch có thể tái bùng phát. Cơ quan này khuyến nghị các nước vẫn tập hợp thông tin từ các nguồn dữ liệu giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp để đánh giá tình huống.
Như Việt Nam hiện nay vẫn tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm, ca nặng và tử vong hàng ngày, giải trình tự gene virus để phát hiện chủng mới và điều chỉnh chiến lược ứng phó.
Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cũng cho rằng đeo khẩu trang vẫn là biện pháp quan trọng phòng chống lây nhiễm. Tuy nhiên, cách dùng khẩu trang được thay đổi linh hoạt trong những tình huống cụ thể, ví dụ nên đeo nếu là người mới nhiễm, người thuộc nhóm dễ tổn thương, ở trong không gian kín, ít thông gió và đông người.
Trên thực tế, đây là cách Bộ Y tế Việt Nam đang khuyến cáo người dân áp dụng để phòng bệnh. Trước đây, WHO khuyên sử dụng khẩu trang dựa trên tình hình dịch bệnh tại chỗ
Đối với người mắc Covid-19, WHO khuyến nghị giảm thời gian cách ly. Bệnh nhân có triệu chứng, cách ly 10 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng (khuyến nghị cũ là 14 ngày). Bệnh nhân không có triệu chứng, cách ly 5 ngày (khuyến nghị cũ 10 ngày). Người bệnh được kết thúc cách ly sớm hơn nếu test kết quả âm tính.
Trên thực tế ở Việt Nam hiện nay ít người test Covid-19 khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh. Nhiều người tự xem đây như bệnh thông thường, không cách ly nhưng có thể nghỉ ngơi vài hôm đến khi hết triệu chứng khó chịu là làm việc lại.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết các ca nhiễm ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng nên cần theo dõi sát, có thể điều chỉnh các biện pháp ứng phó. Theo bà, để không quay trở lại tình trạng trải qua vài năm trước, Việt Nam cần duy trì các khuyến nghị trên, nhất là tại thời điểm số ca nhiễm tăng.
GS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng, cho biết Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó bền vững với đại dịch trong tình hình mới, phù hợp với các khuyến nghị của WHO. Trong đó, kế hoạch tính đến bối cảnh xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, dịch lan rộng; tăng cường giám sát lồng ghép Covid-19 và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
"Chúng tôi đa dạng hóa các hoạt động giám sát dịch bệnh để có thể đánh giá đúng tình hình dịch nhằm triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, vừa tăng cường giám sát trọng điểm, thường xuyên, lồng ghép, giám sát theo sự kiện, vừa giám sát ngẫu nhiên", GS. Lân nói.
Còn TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh, cho biết Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đang xem xét hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và cách ly đối với người bệnh. Về cơ bản, các chuyên gia thống nhất sẽ điều chỉnh một số nội dung, tập trung chủ yếu vào sử dụng thuốc kháng virus, một số thuốc kháng thể đối với Covid-19.
Ngày 11/5, Bộ Y tế ghi nhận 2.800 ca nhiễm mới. Trung bình từ ngày 15/4 đến nay Việt Nam ghi nhận khoảng 2.000 ca mỗi ngày, trong khi tháng 3 và nửa đầu tháng 4 chỉ vài chục ca. Các chuyên gia khuyến cáo biện pháp phòng chống hiện nay vẫn là 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm vaccine phòng bệnh cùng với thuốc điều trị, ý thức người dân.
Lê Nga