Theo WHO, các quốc gia có quyền tự triển khai các chiến dịch tiêm chủng của riêng mình, song việc bắt buộc người dân sử dụng vaccine có thể là quyết định sai lầm.
"Tôi không nghĩ nên coi chủng ngừa là nghĩa vụ, đặc biệt đối với loại vaccine này. Các nước nên khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người dân làm điều đó, thay vì yêu cầu. Tôi không ủng hộ bất cứ quốc gia nào đề ra quy định bắt buộc tiêm chủng", Kate O’Brien, giám đốc bộ phận tiêm phòng của WHO, nhận định.
Bà công nhận nhân viên y tế tại các bệnh viện nên được sử dụng vaccine Covid-19 để giảm nguy cơ lây nhiễm cho chính mình và cả bệnh nhân. Tuy nhiên bà cũng cho rằng việc thuyết phục công chúng tiêm phòng ngay lập tức là thử thách lớn.
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, ủng hộ việc giới thiệu các dữ liệu khoa học, giúp người dân biết được lợi ích của vaccine trong cuộc chiến chống virus và để họ tự quyết định có nên tham gia tiêm phòng hay không.
"Câu chuyện về vaccine chứa đựng những thông điệp tốt. Đó là sự chiến thắng dựa trên nỗ lực và tiềm năng của con người với một loại virus mới. Chúng ta cần thuyết phục họ bằng câu chuyện đó", ông nói.
Theo WHO, hiện thế giới có 51 loại vaccine được thử nghiệm trên người, 13 trong số đó đã tiến đến giai đoạn cuối cùng. 163 "ứng viên khác" được phát triển trong phòng thí nghiệm.
Trong bối cảnh các quốc gia chuẩn bị phê duyệt và phân phối vaccine, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến khích ưu tiên những người dễ bị ảnh hưởng bởi virus nhất.
"Đây không phải quyết định dễ dàng", ông nói. Ông cho rằng các nhân viên y tế, người có bệnh nền hoặc tuổi cao nên được sử dụng vaccine đầu tiên.
Thục Linh (Theo SCMP)