Một căn bệnh lạ đã gây ra vài ca tử vong rải rác khắp thành phố Vũ Hán. Khi ấy, cơ quan y tế đặt ra câu hỏi điều gì khiến số trường hợp nhiễm virus tăng nhanh chóng, mầm bệnh đã lây lan thế nào.
Tiến sĩ Zhang và các đồng nghiệp tại Trung tâm Y tế Lâm sàng Công cộng Thượng Hải bắt đầu làm việc không ngừng nghỉ. Họ nhanh chóng giải trình tự gene, thu được RNA (thông tin di truyền) của virus. Việc giải mã RNA sẽ làm sáng bản chất và cách hoạt động của mầm bệnh mới.
Rạng sáng 5/1, họ hoàn thành sứ mệnh của mình, phát hiện đây là bệnh do virus thuộc họ corona gây nên, có liên hệ chặt chẽ tới SARS từng bùng phát ở Trung Quốc vài năm trước.
"Virus chắc chắn rất nguy hiểm", ông Zhang kết luận.
Chỉ vài ngày sau đó, nghiên cứu của ông và nhóm các nhà khoa học được đăng tải trên trang virological.org, cung cấp cho thế giới cái nhìn sơ bộ về một bệnh mới chưa biết tên, mà ngày nay ai cũng biết cái tên Covid-19 đã giết chết hơn 1,5 triệu người.
Khám phá khi ấy của Zang và cộng sự có giá trị nhiều hơn so với việc xác định dấu hiệu đầu tiên của virus. Đó là nền tảng để các hãng dược trên thế giới phát triển loại vaccine đặc hiệu.
Truyền thông quốc tế gọi đây là thành tích phi thường. Quá trình phát hiện chủng virus mới đến tạo ra một loại vaccine hiệu quả diễn ra trong vòng chưa đầy một năm - sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử khoa học. Một số chuyên gia gọi đây là "phép màu" giúp thế giới vượt qua cơn khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
"Tiến bộ đáng kinh ngạc trong việc cải tiến vaccine đặt ra tiêu chuẩn mới trong y khoa, cho thấy con người có thể đạt được những gì nếu đủ nguồn lực và sự tập trung cao độ vào sức khỏe cộng đồng", tiến sĩ Stephen Griffin, trường Y Đại học Leeds, nhận định.
Bằng cách giải trình tự gene virus, ông Zhang đã cung cấp thông tin quan trọng, cho phép các nhà khoa học phân lập và nuôi cấy các mảnh virus riêng lẻ, sử dụng những thành phần đó bào chế vaccine.
Giáo sư Adam Finn, Đại học Bristol, cho biết: "Những gì Zhang làm cực kỳ quan trọng với giai đoạn sau đó. Nếu không có công trình của ông, chẳng ai có thể bắt đầu nghiên cứu vaccine".
Để điều chế các liều tiêm phòng, giới khoa học cần tìm cách đưa các mảnh protein đột biến của virus vào cơ thể, kích thích kháng thể tấn công chúng. Đây là chiến lược của hầu hết các dự án phát triển.
Nhiệm vụ này thuộc về chuyên gia từ các công ty công nghệ sinh học. Một trong số đó là BioNTech, dẫn đầu bởi cặp vợ chồng nhà khoa học Özlem Türeci và Uğur Şahin. Hợp tác với Pfizer, BioNTech đã cho ra đời vaccine BNT162b2, sử dụng công nghệ RNA, hiệu quả 95% chống lại Covid-19. Hãng dược Moderna dùng phương pháp tương tự đối với vaccine mRNA-1273, hiệu quả 94,5%.
"Đây là công nghệ mới nhưng cũng rất đơn giản. Nó liên quan đến quá trình tổng hợp hóa học cơ bản và chỉ có vậy. Bạn không cần cẩn thận chăm sóc, nuôi cấy mô hay đảm bảo tính vô trùng cao của phòng thí nghiệm. Bạn chỉ cần tạo ra một sợi RNA hóa học và đưa nó vào cơ thể người. Đây chính là lý do BioNTech và Moderna có được kết quả nhanh chóng đến vậy", giáo sư Peter Openshaw, Đại học Hoàng gia London, nhận định.
Trong khi đó, giáo sư Sarah Gilbert, thuộc Viện Jenner, Đại học Oxford, tiếp cận vaccine theo phương pháp khác. Sau đợt bùng phát Ebola năm 2014-2016, các nhà nghiên cứu đã lên kế hoạch tạo ra một loại vaccine cho mầm bệnh mới nổi trong thời gian ngắn nhất có thể.
Để làm được điều này, họ nuôi cấy một loại virus cảm lạnh thông thường ở tinh tinh, không có khả năng gây bệnh trên người. Họ sửa đổi virus, thêm các đoạn gene của nCoV để đào tạo hệ miễn dịch nhận biết và phòng thủ khi cần. Chương trình thử nghiệm vaccine ChAdOx của Oxford do "gã khổng lồ" dược phẩm AstraZeneca hậu thuẫn.
Vaccine của Moderna, Pfizer/BioNTech và Oxford/AstraZeneca là những sản phẩm đầu tiên thử nghiệm lâm sàng. Song có tới 200 "ứng viên" khác đang được phát triển trên khắp thế giới. Câu hỏi đặt ra là liệu có bao nhiêu loại đủ hiệu quả. Trong nhiều tháng, cộng đồng quốc tế đã theo dõi và chờ đợi tín hiệu cho thấy vaccine hiệu quả ít nhất 50%.
Về phần mình, trong suốt quá trình nghiên cứu, tiến sĩ Şahin của BioNTech tin rằng vaccine BNT162b2 đủ hiệu quả. Song ông chưa có bằng chứng xác thực cho đến 8h tối ngày 8/11, sau khi nhận cuộc gọi từ giám đốc điều hành Pfizer, Albert Bourla. Ông được thông báo ban giám sát độc lập của thử nghiệm vaccine kết luận sản phẩm hiệu quả hơn 90%, vượt quá mọi mong đợi.
"Đó là khoảnh khắc của sự thật, khi tôi trút bỏ được một gánh nặng khỏi tâm trí. Có được kết quả này chưa đầy một năm kể từ khi Covid-19 xuất hiện là thành tựu đáng kể, minh chứng cho sự phi thường của quá trình nghiên cứu toàn cầu. Một loại vaccine hiệu quả sẽ thay đổi hình thái của đại dịch này", ông nói.
Tuy nhiên, giới khoa học còn nhiều câu hỏi khác cần trả lời. Hiện chưa rõ khả năng bảo vệ của các mũi tiêm kéo dài bao lâu. Một số báo cáo chỉ ra rằng mức kháng thể bắt đầu giảm vài tháng sau khi chủng ngừa. Song luận điểm này bị giáo sư Openshaw phản pháo.
"Từ các phân tích của Moderna và một số vaccine khác, rõ ràng sản phẩm tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn nhiều, ít nhất là về mặt kháng thể, so với ở người nhiễm nCoV tự nhiên. Vì vậy, mức kháng thể sẽ duy trì khá lâu", ông nói.
Dù nhiều điều chưa sáng tỏ, cộng đồng khoa học đều nhận định phát triển vaccine Covid-19 là cuộc hành trình phi thường, có vẻ như đang tiến đến kết cục có hậu.
Thục Linh (Theo Guardian)