Theo thông báo ngày 29/10, quỹ bồi thường được thành lập thông qua chương trình phân phối vaccine công bằng COVAX, do WHO và Liên minh Gavi dẫn đầu. Động thái nhằm xoa dịu những lo ngại và nghi ngờ, có thể cản trở công tác tiêm chủng toàn cầu. WHO muốn tránh lặp lại sự cố trong đại dịch H1N1 xảy ra một thập kỷ trước, khi việc chủng ngừa bị chậm trễ tại hàng chục nước thu nhập thấp do không có quy chế, trách nhiệm pháp lý rõ ràng.
Kế hoạch này giải quyết bất cập cho 92 quốc gia thu nhập thấp, chủ yếu ở châu Phi và Đông Nam Á. Chính phủ các nước không phải chịu đền bù nếu có khiếu nại từ bệnh nhân trong trường hợp vaccine để lại tác dụng phụ. Chi phí sẽ do COVAX hỗ trợ.
Hàng chục nước thu nhập trung bình, như Nam Phi, Lebanon, Gabon, Iran và Mỹ Latinh, sẽ không nhận được khoản bảo hiểm này.
Dù tác dụng không mong muốn hiếm khi xảy ra đối với vaccine được cơ quan quản lý chấp nhận, cộng đồng vẫn lo ngại bởi các liều tiêm phát triển quá nhanh chóng. Hiện chưa "ứng viên" nào được phê duyệt chính thức, song WHO dự kiến vaccine đầu tiên ra mắt vào tháng 12 năm nay, đúng một năm kể từ khi nCoV lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc. Thông thường, quá trình kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ.
Theo kế hoạch, các nước trong khối COVAX được hỗ trợ ít nhất cho đến tháng 7/2022. Trước đó, các nhà sản xuất đã tìm cách né tránh trách nhiệm này, họ miễn cưỡng cung cấp vaccine ở các quốc gia mà chính phủ không san sẻ bồi thường nếu có tác dụng phụ.
Tại một số nước, thiệt hại do vaccine được hãng bảo hiểm chi trả. Theo quy chế mới, phí điều trị, nằm viện và thuốc men của người dân có thể thanh toán thông qua COVAX. Cơ quan xác định khoản bồi thường dựa trên mức độ nghiêm trọng của phản ứng phụ.
Kế hoạch này nhằm tránh trường hợp bệnh nhân khiếu nại bồi thường thông qua tòa án, có thể dẫn đến hàng loạt thủ tục kéo dài, phí đền bù cao hơn rất nhiều.
Mới đây, một tình nguyện viên thử nghiệm vaccine của AstraZeneca và Đại học Oxford đã tử vong. Dù cơ quan chức năng kết luận cái chết không liên quan đến mũi tiêm, vụ việc vẫn làm dấy lên tranh luận về trách nhiệm của các hãng dược khi người dân gặp phải tác dụng không mong muốn. Hôm 25/9, Liên minh Châu Âu công bố thỏa thuận với AstraZeneca. Theo đó, hãng sẽ bồi thường hợp lý ở một số ngưỡng nhất định. Số tiền còn lại được chính phủ các nước hỗ trợ.
Thục Linh (Theo Reuters)