Khi Covid-19 có xu hướng quay trở lại nhiều quốc gia, nhân loại mong đợi vaccine sớm ra mắt để đẩy lùi đại dịch. Kỳ vọng tăng lên khi Nga và Trung Quốc lần lượt phê duyệt khẩn cấp một số "ứng viên" tiềm năng. Trong đó, các hãng dược Trung Quốc sở hữu tới ba loại vaccine trong thử nghiệm giai đoạn cuối.
Tại cuộc họp báo tuần trước, Wang Tao, giám đốc bộ phận đánh giá của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc, cho biết sẽ phê duyệt chính thức ngay khi có đủ dữ liệu chứng minh sản phẩm an toàn, hiệu quả và đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng.
Cơ hội rộng mở
Zhang Yuntao, phó chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Sinh học Quốc gia (CNBG), cho biết một trong hai loại vaccine của hãng đã được chấp thuận khẩn cấp, sẽ phân phối trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước khi công bố dữ liệu an toàn, Trung Quốc đã tiêm chủng cho hàng trăm nghìn công dân. Nhiều người tự nguyện trả phí, vượt những quãng đường dài để tới nhận vaccine.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ siết chặt tiêu chuẩn phê duyệt khẩn cấp. Động thái này nhằm đối phó với áp lực gia tăng của cuộc bầu cử sắp tới. Quy định mới khiến hãng dược Pfizer phải hoãn công bố kết quả đến tuần thứ ba của tháng 11. Dữ liệu an toàn của Moderna cũng lùi lại đến tháng sau. Thử nghiệm của nhóm Oxford-AstraZeneca và Johnson & Johnson bị đình chỉ vì tình nguyện viên xuất hiện triệu chứng bất thường không rõ nguyên nhân. Chương trình được nối lại vào tuần trước.
Các diễn biến trên khiến Trung Quốc nắm lợi thế trong cuộc đua vaccine toàn cầu. Sản phẩm của nước này có cơ hội thâm nhập thị trường quốc tế trước khi được chấp thuận trong nước, thông qua quy định phê duyệt khẩn cấp ở các quốc gia khác.
Tháng trước, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã cung cấp vaccine của CNBG cho nhân viên y tế tuyến đầu. Nhiều quốc gia khác cũng đang xem xét đưa vaccine Trung Quốc vào sử dụng khẩn cấp. Achmad Yurianto, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, Bộ Y tế Indonesia, cho biết nước này có kế hoạch mua 18 triệu liều của Sinovac, Sinopharm và CanSino, dự kiến cấp phép sớm nhất vào tháng 11.
Thay đổi vận mệnh
Đại dịch Covid-19 có thể thay đổi vận mệnh của ngành công nghiệp vaccine Trung Quốc, vốn chỉ tập trung vào thị trường nội địa. Đây là một trong những nước có năng lực sản xuất lớn nhất thế giới, lên tới 700 triệu liều mỗi năm (chiếm khoảng 20% sản lượng toàn cầu).
Jennifer Huang Bouey, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại tổ chức phân tích Rand Corporation, cho biết khoảng 5.300 trong số 7.000 nhà sản xuất vaccine của Trung Quốc là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường phân mảnh, mức độ tập trung cực thấp. Bà nói: "Họ nhắm đến các hợp đồng chính phủ, để cung cấp vaccine với giá rẻ nhưng độ bao phủ rộng... Họ duy trì hoạt động dựa trên quy mô dân số, không phải sức cạnh tranh của công ty".
Đến nay, chỉ 4 hãng dược Trung Quốc vượt qua thủ tục cơ bản của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa vaccine vào danh sách mua bán của Liên Hợp Quốc. Điều này chủ yếu do các nhà sản xuất nội địa không được khuyến khích tham gia vào thị trường thế giới. Vaccine, về bản chất, không phải sản phẩm mang lại lợi nhuận cao. Theo WHO, Đông Nam Á, thị trường xuất khẩu vaccine lớn nhất của Trung Quốc, cũng chỉ chiếm 2,37% lượng bán ra trong năm 2018.
Khi đại dịch xảy ra, Bắc Kinh hứa cung cấp vaccine Covid-19 cho hàng chục nước đang phát triển. Hồi tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ đưa vaccine trở thành mặt hàng toàn cầu. Sau nhiều tháng do dự, Trung Quốc cuối cùng đã tham gia dự án phân phối công bằng COVAX, do WHO, Liên mình Gavi và Quỹ Bill & Melinda Gates dẫn đầu.
Các chuyên gia cho biết động thái này sẽ củng cố niềm tin quốc tế đối với vaccine Trung Quốc, đưa ngành công nghiệp nước này vào chuỗi cung ứng dài hạn.
"Cái hay ở việc Trung Quốc tham gia COVAX là nước này sẽ phải cung cấp loại vaccine đạt chuẩn WHO, cao hơn tiêu chuẩn mà các hãng dược nội địa đang theo đuổi. Vì vậy, yêu cầu họ gia nhập các dự án chung là cơ hội tốt để đưa năng lực của Trung Quốc vào chuỗi cung ứng toàn cầu", Jerome Kim, giám đốc Viện Vaccine Quốc tế tại Mỹ, nhận định.
Ngành công nghiệp vaccine của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi các bê bối trong quá khứ, song chúng chủ yếu là những vụ việc nhỏ, liên quan đến đơn vị sản xuất địa phương. Ngược lại, các liều tiêm phòng Covid-19 được phát triển bởi những hãng dược hàng đầu quốc gia, có sự giám sát chặt chẽ.
Phá bỏ rào cản
Trung Quốc sẽ chịu áp lực rất lớn trong việc phải sản xuất đủ số lượng vaccine, đáp ứng nhu cầu trong nước lẫn quốc tế. Ngày 29/10, Zheng Zhongwei, một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia, cho biết nước này đã chủ động nâng cao năng lực để cung ứng 610 triệu liều vào cuối năm nay. Song ngay cả khi đã được phê duyệt, vaccine Trung Quốc cũng khó lòng thâm nhập vào những thị trường khắt khe như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc cần đề phòng rủi ro khi xuất khẩu số lượng lớn vaccine. Họ cảnh báo bất kỳ tác dụng phụ nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều có thể tạo ra phản ứng dữ dội. Vấn đề vận chuyển, bảo quản, sử dụng cũng dễ dẫn đến rủi ro.
Phương pháp điều chế của Trung Quốc khiến việc tiếp cận thị trường quốc tế thêm phần phức tạp. Các hãng sinh phẩm nước này chủ yếu sử dụng vaccine bất hoạt, một kỹ thuật cổ điển, song không được tin dùng trong các chế phẩm sinh học mới. Chúng yêu cầu mức độ an toàn cao hơn, bởi các chuyên gia phải xử lý virus sống.
"Bất cứ vấn đề gì cũng tạo hình ảnh tiêu cực cho Trung Quốc. Rủi ro rất cao, tôi không biết liệu các công ty và chính phủ có nhận ra hay không", tiến sĩ Jennifer Huang Bouey cho biết.
Giới chức nước này nhiều lần khẳng định vaccine an toàn, không để lại tác dụng phụ sau khi tiêm chủng khẩn cấp cho hàng nghìn người. Nhưng theo các các chuyên gia, điều này không giúp củng cố niềm tin quốc tế, đặc biệt là khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 chưa hoàn thành.
"Sử dụng vaccine quy mô lớn trước khi kết thúc thử nghiệm giai đoạn 3 khiến việc đánh giá tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm khó khăn hơn nhiều", Peter Smith, giáo sư dịch tễ học tại Trường Vệ sinh London và Y học Nhiệt đới, nhận định.
"Nếu ngành vaccine của Trung Quốc chuyển mình thành công và hiệu quả, toàn bộ ngành công nghiệp dược phẩm sẽ hưởng lợi. Song điều này không tự nhiên mà có. Cách duy nhất để tạo dựng uy tín là sự minh bạch", Michael Kinch, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Công nghệ Sinh học và Thuốc tại Đại học Washington, nhấn mạnh.
Thục Linh (Theo SCMP)