Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 13/8 gọi đây là "một khoản nhỏ" so với chi phí kinh tế khổng lồ phải bỏ ra để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng.
Quỹ đầu tư của WHO tên ACT-Accelerator, nhằm chia sẻ nghiên cứu, phát triển, sản xuất và thương mại toàn cầu các phương pháp điều trị, ngăn ngừa Covid-19. WHO khẳng định đây là hành động khôn ngoan hơn việc bỏ ra hàng tỷ USD xử lý hệ lụy đại dịch để lại.
Trích dẫn dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, rằng Covid-19 sẽ "thổi bay" 12 nghìn tỷ USD trong hai năm, người đứng đầu WHO kêu gọi các quốc gia chi tiền cho các giải pháp chung.
"Đây là hình thức kích thích kinh tế tốt nhất mà thế giới có thể nhắm đến", tiến sĩ Tedros phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến. Ông nhận định việc tài trợ 31,3 tỷ USD cho ACT-Accelerator "chỉ là một phần rất nhỏ so với giải pháp thay thế, khi các nền kinh tế thiệt hại nhiều hơn và cần đến những gói kích cầu để duy trì".
WHO cho biết việc phân tán rủi ro và chia sẻ lợi nhuận là bước đi hợp lý mà một số quốc gia cần áp dụng, thay vì hành động một mình để phát triển vaccine.
"Quá trình này kéo dài, phức tạp, tốn kém và đầy rủi ro. Phần lớn vaccine trong giai đoạn đầu đều thất bại", Tedros nói, nhấn mạnh cần có nhiều "ứng viên", với công nghệ khác biệt, nhằm chọn lựa sản phẩm tốt nhất.
Hôm 11/8, Nga tuyên bố trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine Covid-19, dù thử nghiệm giai đoạn cuối với hơn 2.000 người mới bắt đầu sau đó một ngày (12/8). Giới khoa học toàn cầu tỏ ra hoài nghi về vaccine "đốt cháy giai đoạn" này của Nga.
Bruce Aylward, giám đốc quỹ ACT-Accelerator, cho biết WHO vẫn chờ đợi Moskva công bố dữ liệu chi tiết hơn.
"Chúng tôi đang trao đổi với Nga để có thêm thông tin, hiểu được tình trạng của sản phẩm, các thử nghiệm đã thực hiện và những bước tiếp theo ra sao", ông nói.
Theo WHO, đến nay thế giới có 168 loại vaccine đang được nghiên cứu, trong đó 28 loại đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng. 9 loại (không bao gồm vaccine của Nga), nằm trong chương trình ACT-Accelerator.
Giám đốc Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho rằng chỉ chú trọng vào một đến hai "ứng viên" trong hàng loạt sản phẩm đang phát triển không phải quyết định sáng suốt.
"Chúng tôi không biết loại nào sẽ dẫn đầu, loại nào thực sự chứng minh được tính an toàn và hiệu quả. Chúng tôi khuyến khích các nước tham gia vào chương trình toàn cầu, bởi bạn sẽ có quyền tiếp cận với nhiều vaccine hơn, có cơ hội tốt để mua bán nếu chúng thành công", quan chức này nói.
Hôm 13/8, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã mua dự trữ 400 triệu liều vaccine do Johnson & Johnson điều chế. Mỹ cũng đầu tư hàng chục tỷ USD để đặt trước những ứng viên tiềm năng.
Thục Linh (Theo AFP)